Lưới khống chế mặt bằng là một khái niệm tương đối quen thuộc đối với những kỹ sư, người làm trong ngành nghề trắc địa, xây dựng. Thế nhưng, bạn đã thật sự hiểu biết đúng và đủ về lưới khống chế mặt bằng? Lưới khống chế mặt bằng là gì? Có bao nhiêu loại lưới khống chế mặt bằng? Hãy cùng Đất Hợp tìm hiểu lời giải đáp trong bài viết dưới đây nhé!

Lưới khống chế mặt bằng là gì?

Lưới khống chế mặt bằng được gọi bằng tên tiếng Anh là The Coordinate Control Network, được hiểu là lưới khống chế tọa độ hay còn có tên gọi tiếng Anh khác là The Horizontal Control System/Network.

Lưới khống chế mặt bằng tập hợp những điểm mốc ở thực địa được xác định theo tọa độ X, Y với độ chính xác cao theo một hệ tọa độ nhất định (Chẳng hạn như hệ tọa độ WGS84 hay hệ VN2000, HN72,…). Những điểm thuộc lưới khống chế tọa độ này được gọi là điểm khống chế tọa độ mặt bằng.

Lưới khống chế mặt bằng là tập hợp những điểm mốc ở thực địa.

Hình 1. Lưới khống chế mặt bằng là tập hợp những điểm mốc ở thực địa.

Lưới khống chế mặt bằng có vai trò quan trọng trong các công việc đo đạc, khảo sát, giúp cho kết quả của những công việc này đạt được độ chính xác theo yêu cầu đưa ra, giảm thiểu đi những sai số tích lũy.

Bên cạnh đó, lưới khống chế tọa độ được phân chia thành nhiều loại với nhiều cấp hạng khác nhau, và được xây dựng từ tổng thể cho đến cục bộ.

Lưới khống chế mặt bằng có bao nhiêu loại?

Lưới khống chế mặt bằng chia làm 3 loại chính tùy theo quy mô và độ chính xác giảm dần: Lưới khống chế mặt bằng Nhà nước, Lưới khống chế mặt bằng khu vực và Lưới khống chế mặt bằng đo vẽ.

– Lưới khống chế mặt bằng Nhà nước

Lưới khống chế mặt bằng Nhà nước được thành lập dựa trên nguyên lý tạo thành một mạng lưới theo đồ hình tam giác. Lưới khống chế mặt bằng này được chia thành bốn cấp hạng và trải đều trên khắp lãnh thổ quốc gia, đó là:

  • Lưới hạng I: bao trùm toàn quốc.
  • Lưới hạng II: chêm dày lưới hạng I.
  • Lưới hạng III: chêm dày lưới hạng II.
  • Lưới hạng IV: chêm dày lưới hạng III.

Chỉ tiêu lưới khống chế mặt bằng Nhà nước:

Chỉ tiêu kỹ thuật Hạng I Hạng II Hạng III Hạng IV
Chiều dài cạnh (km) 20÷30 7÷20 5÷10 2÷6
Sai số trung phương đo góc ±0.7” ±1.0” ±1.8” ±2.5”
Sai số trung phương tương đối cạnh đáy 1/400.000 1/300.000 1/200.000 1/200.000
Góc nhỏ nhất trong tam giác 40° 30° 30° 30°

Những lưới khống chế mặt bằng này được ứng dụng trong các nghiên cứu khoa học, là nền tảng cơ sở để xây dựng, phát triển lưới khống chế mặt bằng khu vực (còn được gọi là lưới khống chế mặt bằng cục bộ) và lưới khống chế mặt bằng đo vẽ (dựa theo tiêu chuẩn TCVN 8224:2009 tại Việt Nam).

– Lưới khống chế mặt bằng khu vực (Lưới khống chế mặt bằng cục bộ)

Lưới khống chế mặt bằng khu vực còn được gọi với tên gọi khác là lưới khống chế mặt bằng cục bộ, hay lưới khống chế cơ sở mặt bằng. Lưới khống chế mặt bằng khu vực là lưới chêm dày cho lưới khống chế mặt bằng Nhà nước, do đó sẽ có mật độ dày hơn và độ chính xác kém hơn.

Loại lưới khống chế mặt bằng khu vực này bao gồm lưới tọa độ hạng IV, lưới giải tích cấp 1 và cấp 2; lưới đường chuyền cấp 1 và lưới đường chuyền cấp 2. Tùy theo điều kiện địa hình (vùng đồi núi, vùng đồng bằng,…) hoặc quy mô diện tích của khu vực đo đạc mà những kỹ sư trắc địa sẽ thiết kế một mạng lưới khống chế mặt bằng khu vực phù hợp.

Lưới khống chế mặt bằng khu vực huyện Thanh Oai - Hà Nội.

Hình 2. Lưới khống chế mặt bằng khu vực huyện Thanh Oai – Hà Nội.

Các yếu tố đặc trưng của lưới khống chế mặt bằng khu vực:

Các yếu tố đặc trưng Lưới giải tích Lưới đa giác
Cấp 1 Cấp 2 Cấp 1 Cấp 2
Sai số trung phương đo góc ±5” ±10” ±5” ±10”
Sai số trung phương tương đối cạnh đáy 1/50.000 1/25.000
Sai số trung phương cạnh yếu 1/20.000 1/10.000
Sai số khép tương đối 1/10.000 1/5.000
Sai số khép góc cho phép ±20” ±40” ±10”√n ±20”√n
Chiều dài cạnh (km) 0.5÷5 0.25÷3 0.12÷0.8 0.08÷0.35
Chiều dài lớn nhất (km)
– Đường đơn 5 3
– Giữa điểm khởi tính và điểm nút 3 2
– Giữa hai điểm nút 2 1.5

– Lưới khống chế mặt bằng đo vẽ

Lưới khống chế mặt bằng đo vẽ là lưới cấp cuối cùng, có độ chính xác ở mức thấp nhất, được ứng dụng cho các công tác đo vẽ chi tiết bản đồ địa hình. Đây là lưới chêm dày của lưới khống chế mặt bằng Nhà nước và lưới khống chế mặt bằng khu vực.

Lưới khống chế mặt bằng đo vẽ.

Hình 3. Lưới khống chế mặt bằng đo vẽ.

Lưới khống chế mặt bằng đo vẽ bao gồm:

  • Lưới tam giác nhỏ có các dạng điển hình như: tam giác trắc địa, tứ giác trắc địa, đa giác trung tâm, giao hội thuận và giao hội nghịch,…
  • Lưới đường chuyền kinh vĩ có dạng như đường chuyền kinh vĩ kín, hay đường chuyền kinh vĩ hở nhưng đôi khi có một vài điểm nút. Lưới này dùng để thành lập bản đồ tại những khu vực có địa hình bị che khuất và không thể bố trí lưới tam giác.

Các yếu tố đặc trưng của lưới khống chế mặt bằng đo vẽ:

Các yếu tố đặc trưng Đường chuyền kinh vĩ Lưới tam giác nhỏ
Sai số trung phương tương đối đo cạnh 1/2000
Sai số trung phương đo góc ±30” ±30”
Sai số khép góc cho phép ±45”√n ±1.5”
Sai số trung phương tương đối cạnh đáy 1/5.000

Mong rằng thông qua bài viết này, bạn đã có thêm những thông tin cần thiết và hữu ích về lưới khống chế mặt bằng. Ngoài ra, có bất kỳ thắc mắc liên quan đến lưới khống chế mặt bằng cũng như cần tìm hiểu về các thiết bị GNSS giúp thành lập lưới chính xác, hãy liên hệ HOTLINE 0903 825 125 để được Đất Hợp tư vấn chi tiết về các thiết bị đo đạc giúp thành lập lưới khống chế mặt bằng hiệu quả, tối ưu chi phí và thời gian nhất!

>>> Xem thêm: Cơ sở để lựa chọn máy định vị GNSS phù hợp cho công tác trắc địa

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

Untitled 1 01 01

CÔNG TY TNHH ĐẤT HỢP
Địa chỉ: Số 2, Đường số 4, Khu nhà ở Vạn Phúc 1, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM
Tel: (028).3.6208.606
Mobile: 0903 825 125
Email: cskh@dathop.com.vn
Website: https://dathop.com/  –  https://dathop.com.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/congtydathop