“Góc phương vị” là một thuật ngữ quan trọng trong đo đạc trắc địa. Bài viết này hãy cùng Đất Hợp tìm hiểu chi tiết “Góc phương vị là gì?” cũng như Ứng dụng và cách tính góc phương vị như thế nào nhé!

Góc phương vị là gì?

– Định nghĩa về góc phương vị:

Góc phương vị (Azimuth) là tên của một loại góc đo được dùng trong hệ thống định vị cầu, là góc giữa Vector Bắc (North) và ảnh chiếu vuông góc của ngôi sao xuống đường chân trời.

Góc phương vị là gì? Ứng dụng và cách tính góc phương vị

Mô tả về góc phương vị trong hệ thống định vị cầu.

– Góc phương vị trong hệ tọa độ hình cầu:

Trong một hệ tọa độ hình cầu, góc phương vị là góc giữa đoạn thẳng được chiếu và một đoạn thẳng tham chiếu trên mặt phẳng tham chiếu (đoạn thẳng tham chiếu là đoạn thẳng đi qua 2 điểm được chiếu vuông góc lên một mặt phẳng tham chiếu), được minh họa chi tiết qua hình dưới đây.

Góc phương vị là gì? Ứng dụng và cách tính góc phương vị

Minh họa về góc phương vị trong hệ tọa độ hình cầu.

Trong đó:

  • AC: là đường chiếu vuông góc của đường AB.
  • AD: là đường tham chiếu.
  • Mặt phẳng đi qua 3 điểm A,D,C: là mặt tham chiếu.
  • Góc đi qua 2 đường thẳng AC và AD là góc phương vị của AB so với đường tham chiếu.

– Góc phương vị của một đường thẳng:

Góc phương vị của một đường thẳng là góc bằng tính từ hướng Bắc kinh tuyến, thuận chiều kim đồng hồ đến hướng đường thẳng, được minh họa qua hình dưới đây:

Góc phương vị là gì? Ứng dụng và cách tính góc phương vị

Minh họa về góc phương vị của một đường thẳng.

Có hai loại góc phương vị, nếu hướng gốc là hướng Bắc kinh tuyến thực ta sẽ có góc phương vị thực A, còn nếu hướng gốc là hướng Bắc kinh tuyến từ sẽ có góc phương vị từ At. Quan hệ giữa 2 loại góc phương vị này là:

A = At ± δ

Trong đó δ là độ chênh lệch từ, lấy dấu + khi kinh tuyến từ từ lệch về đông kinh tuyến thực và lấy dấu – khi kinh tuyến từ lệch về tây kinh tuyến thực.

Trên cùng một đường thẳng, tại các điểm khác nhau góc phương vị có trị số lệch nhau một lượng bằng độ hội tụ kinh tuyến γ.

A2 = A1 ± γ với γ = ∆λ sinϕ

Góc phương vị nhận giá trị từ (0~360)°. Nếu nhìn theo hướng cho trước của đường thẳng ta có góc định hướng là góc phương vị thuận, còn nếu nhìn ngược hướng với hướng đường thẳng cho trước sẽ có góc phương vị ngược, trị số góc định hướng thuận và ngược lệch nhau đúng bằng 180°.

A’ = A ± 180°

(Tham khảo: Giáo trình Trắc địa do GV. Lê Văn Định biên soạn)

Ứng dụng của góc phương vị

Góc phương vị dùng để định hướng đường thẳng trên mặt đất, hướng của đường băng, hướng di chuyển của tâm bão hoặc hướng đi của tàu trên biển.

Ví dụ, để tìm điểm cắm trại, ta có thể xác định phương hướng di chuyển chính xác nhờ vào góc phương vị. Thay vì nói đi về hướng “Đông Bắc” ta có thể nói đi theo hướng 315°.

Trong đo đạc trắc địa, góc phương vị được kết hợp với khoảng cách của 2 điểm để tính ra tọa độ (trong bài toán thuận nghịch).

Cách tính góc phương vị trong đo đạc bằng máy toàn đạc điện tử

Để tính góc phương vị bằng máy toàn đạc điện tử, người đo cần truy cập chương trình Inverse.

Cách để vào chương trình Inverse như sau: Từ màn hình cơ bản → chọn Menu (một số máy toàn đạc hiển thị là Program) → Cogo → Inverse.

Cách vào mục đo góc phương vị của mỗi máy toàn đạc điện tử có thể khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết cách làm đều có hướng dẫn chi tiết. Chính vì vậy, người dùng có thể tham khảo hướng dẫn sử dụng hoặc nhờ sự hỗ trợ của kỹ thuật viên.

Sau khi vào chương trình Inverse để tính góc phương vị, ta cần nhập tọa độ của hai điểm bằng cách:

  • Đo trực tiếp 2 điểm ngoài thực địa.
  • Gọi 2 điểm từ bộ nhớ ra.
  • Sau khi có đủ tọa độ 2 điểm, máy sẽ cho kết quả khoảng cách ngang, khoảng cách dọc và góc phương vị của 2 điểm đó.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về góc phương vị cũng như các kiến thức trắc địa khác, bạn hãy liên hệ ngay Đất Hợp qua HOTLINE 0903 825 125 để được hỗ trợ nhanh chóng nhất nhé!

>>> Xem thêm: Lưới tam giác là gì? Phân loại lưới tam giác theo độ chính xác