Lưới tam giác là một thuật ngữ thông dụng trong ngành trắc địa. Thế nhưng, không phải bất kỳ ai cũng hiểu rõ về lưới tam giác, cũng như các phân loại của lưới tam giác theo độ chính xác. Hãy cùng Đất Hợp tìm hiểu về lưới tam giác và phân loại lưới tam giác theo độ chính xác trong bài viết dưới đây.

Lưới tam giác là gì?

Phương pháp đo tam giác là một trong những phương pháp thông dụng để sử dụng nhằm xây dựng lưới khống chế tọa độ mặt bằng. Lưới tam giác được tạo thành khi nối những điểm được lựa chọn trên mặt đất và xác định vị trí mặt bằng.

Khi đặt máy tại các đỉnh tam giác đo tất cả ba góc trong từng tam giác, đo chính xác chiều dài của một cạnh trong tam giác (cạnh này gọi là cạnh khởi đầu). Từ đó, ta có thể tính được chiều dài của tất cả các cạnh còn lại sau khi xử lý số liệu.

Dựa theo phương pháp tính toán, lưới tam giác có thể được phân làm 2 loại đó là lưới tam giác đo góc và lưới tam giác đo cạnh:

  • Lưới tam giác đo góc: Nếu xác định trước được phương vị của một cạnh khởi đầu ta có thể chuyền phương vị để tính đến các cạnh khác. Từ tọa độ của một điểm một điểm khởi đầu có thể tính toán được tất cả các điểm tam giác. Lưới tam giác được thành lập dựa theo phương pháp này được gọi là lưới tam giác đo góc.
  • Lưới tam giác đo cạnh: Hiện nay, việc đo chiều dài cạnh tương đối thuận lợi và đạt độ chính xác cao. Sau khi bố trí lưới tam giác, đo tất cả các cạnh của lưới, rồi sử dụng số liệu gốc (tọa độ và phương vị đã biết, cũng như các kết quả đo cạnh) để tính toán tọa độ còn lại trong lưới tam giác.

Lưới tam giác đo góc và lưới tam giác đo cạnh đều những ưu điểm và hạn chế nhất định. Do đó, để phát huy được hết những ưu điểm của hai loại lưới tam giác trên, đồng thời giúp nâng cao độ chính xác cho kết quả cuối cùng thu được, lưới tam giác được xây dựng đo góc – cạnh kết hợp. Trị đo trong lưới tam giác có thể là tất cả các cạnh, tất cả các góc hay chỉ đo chọn lọc một số cạnh.

Trong một lưới tam giác, số liệu góc tối thiểu bao gồm:

  • Một cạnh làm gốc nhằm giúp tính toán, xác định tỷ lệ;
  • Một phương vị gốc để giúp định hướng mạng lưới;
  • Tọa độ tại một điểm gốc nhằm định vị lưới.

Phân loại lưới tam giác theo độ chính xác

Dựa theo độ chính xác, lưới tam giác được phân loại thành lưới tam giác nhà nước, lưới tam giác giải tích cấp 1 và cấp 2.

– Lưới tam giác nhà nước

Lưới tam giác nhà nước của Việt Nam được phân chia thành 4 hạng dựa trên quy mô và độ chính xác tương ứng. Các hạng của lưới tam giác nhà nước bao gồm: lưới hạng I, II, III và IV.

  • Lưới tam giác nhà nước hạng I:

Lưới tam giác nhà nước hạng I có cạnh dài trung bình 25km, góc nhỏ nhất không dưới 40°. Đo góc với sai số trung phương ±0’’,7, đo cạnh khởi đầu với sai số trung phương tương đối 1:400000. Sai số trung phương tương đối cạnh yếu nhất của mạng lưới sau bình sai không vượt quá 1:300000.

Lưới tam giác nhà nước hạng I là cơ sở để phát triển các lưới tam giác hạng thấp hơn. Tại Việt Nam, lưới tam giác nhà nước hạng I được bố trí dày đặc, rải đều khắp lãnh thổ.

  • Lưới tam giác nhà nước hạng II:

Lưới tam giác nhà nước hạng II nhà nước có chiều dài cạnh trung bình 12-16km, đo góc với sai số trung phương ±1’’,0. Dùng cạnh tam giác hạng I làm cạnh gốc hoặc đo cạnh gốc với sai số trung phương tương đối 1:300000. Sai số trung phương tương đối cạnh yếu nhất sau bình sai không vượt quá 1:200000.

Tại miền Bắc Việt Nam, lưới tam giác nhà nước hạng II được xây dựng với dạng lưới chêm dày vào những lưới tam giác nhà nước hạng I.

  • Lưới tam giác nhà nước hạng III và IV:

Lưới tam giác hạng III và IV được xây dựng với hình thức chêm dày vào giữa những điểm tam giác hạng I và hạng II. Cạnh tam giác hạng III có độ dài từ 5-8km, độ dài cạnh tam giác hạng IV từ 2-5km. Sai số trung phương đo góc tương ứng là ±1’’,5 và ±2’’,0. Sai số trung phương tương đối cạnh yếu không vượt quá 1:120000 và 1:70000.

– Lưới tam giác giải tích cấp 1 và cấp 2

Lưới tam giác giải tích cấp 1 và cấp 2 còn được gọi là lưới khống chế khu vực. Các điểm thuộc lưới tam giác nhà nước không có đủ mật độ cần thiết để làm cơ sở trong đo vẽ bản đồ tỷ lệ lớn, do đó cần phải có thêm các điểm thuộc lưới tam giác cấp thấp để chêm dày thêm.

Lưới tam giác được sử dụng trong xây dựng lưới khống chế khu vực được phân chia thành hai cấp, đó là lưới tam giác giải tích cấp 1 và cấp 2:

  • Lưới tam giác giải tích cấp 1 là dạng lưới chêm dày tại những khu vực đã có lưới tam giác nhà nước. Đối với khu đo có diện tích nhỏ, điểm của lưới tam giác nhà nước không đủ mật độ thì có thể dựng thêm lưới tam giác giải tích ở dạng lưới độc lập.
  • Lưới tam giác giải tích cấp 2 được phát triển ở dạng lưới chêm dày dựa trên cơ sở các điểm thuộc lưới tam giác nhà nước và lưới tam giác giải tích cấp 1.

Tùy thuộc vào hình dạng, địa hình và diện tích khu đo, cũng như số lượng và mật độ phân bố của các điểm khống chế của lưới tam giác hạng cao, người ta sẽ lựa chọn lưới tam giác giải tích phù hợp.

Lưới tam giác là gì? Phân loại lưới tam giác theo độ chính xác

Một số dạng lưới tam giác giải tích được ứng dụng trong thực tế (a. Chêm điểm; b. Hình quạt; c. Tứ giác trắc địa; d. Đa giác trung tâm; e. Chuỗi tam giác đơn; f. Chuỗi tam giác hình tuyến; g. Lưới tam giác dày đặc).

Bảng dưới đây là các chỉ tiêu kỹ thuật của lưới tam giác giải tích cấp 1 và cấp 2:

TT Các yếu tố đặc trưng Lưới tam giác giải tích
Cấp 1 Cấp 2
1 Chiều dài cạnh tam giác 1-5km 1-3km
2 Giá trị góc nhỏ nhất
– Trong chuỗi tam giác
– Chêm điểm và lưới dày đặc
30°
20°
30°
20°
3 Số tam giác tối đa trong chuỗi tam giác giữa hai cạnh khởi đầu 10 10
4 Sai số khép tam giác 20’’ 40’’
5 Sai số trung phương đo góc 5’’ 10’’
6 Sai số trung phương của cạnh khởi đầu 1:50.000 1:20.000
7 Sai số trung phương tương đối của cạnh yếu nhất 1:20.000 1:10.000

Tùy thuộc vào đặc điểm, địa hình và diện tích khu đo, người ta sẽ sử dụng và xây dựng loại lưới tam giác phù hợp. Theo dõi thêm các bài viết tại website Đất Hợp để tìm hiểu thêm về lưới tam giác, cũng như những kiến thức hữu ích khác liên quan đến lĩnh vực trắc địa. Ngoài ra, để được tư vấn, hỗ trợ về thiết bị, kỹ thuật trong quá trình đo đạc, trắc địa, hãy liên hệ ngay đến HOTLINE 0903 825 125, chúng tôi luôn sẵn sàng phục vụ!

>>> Xem thêm: Phân cấp lưới khống chế trắc địa. Vì sao cần thành lập lưới khống chế?