Cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ ở khắp mọi nơi trên thế giới. Và tại Việt Nam, để nắm bắt kịp xu thế của thời đại 4.0 thì chuyển đổi số là nhiệm vụ tất yếu mà nền kinh tế phải hướng tới, trong đó bao gồm cả ngành xây dựng. Áp dụng các công nghệ số trong xây dựng được xem là yếu tố then chốt để chuyển đổi số của ngành. Thực trạng về việc áp công nghệ số trong xây dựng 4.0 ở Việt Nam đang diễn ra như thế nào?
Chính phủ Việt Nam quan tâm đến việc áp dụng công nghệ số trong xây dựng 4.0 như thế nào?
Công nghệ số trong xây dựng được chia thành 7 nhóm chính, bao gồm:
- Khoa học dữ liệu.
- Chế tạo kỹ thuật số.
- Tiền chế.
- BIM.
- Trí thông minh nhân tạo.
- Các hệ thống mô hình hóa.
- Các công nghệ liên quan đến việc giám sát.
Ở trên thế giới, có nhiều quốc gia đã phát triển hết cả 7 nhóm công nghệ số này trong xây dựng. Thế còn ở Việt Nam thì sao?
Để hòa nhập với cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng ban hành nhiều văn bản/chính sách nhằm thúc đẩy các hoạt động đầu tư xây dựng như:
- Quyết định số 1004/QĐ-BXD: Phê duyệt “Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”.
- Quyết định số 1533/QĐ-BXD: Phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Bộ Xây dựng giai đoạn 2021 – 2025.
- ..v..v..
Qua đó có thể thấy rằng, áp dụng công nghệ số để chuyển đổi số ngành xây dựng là một nội dung được Nhà nước đánh giá rất quan trọng, cần tập trung thực hiện có hiệu quả để gia tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như sản phẩm và hàng hóa trong lĩnh vực xây dựng, từ đó nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước.
Các đối tượng cũng như lĩnh vực được Nhà nước ưu tiên áp dụng công nghệ số trong xây dựng là:
- Cơ sở dữ liệu (CSDL) bao gồm các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá để phục vụ quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.
- Thực hiện Chính phủ điện tử Bộ Xây dựng.
- Hoạt động xây dựng (tư vấn thiết kế; tư vấn thẩm tra, thẩm định; thi công xây lắp; nghiệm thu công trình).
- Khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng.
- Quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị;
- Nhà ở, công sở và thị trường bất động sản.
- Nguồn tham khảo: http://tapchixaydungbxd.vn/
Để đưa những thông tin và định hướng của Chính phủ đến gần hơn với doanh nghiệp, nhiều diễn đàn, hội thảo cũng như hội nghị đã được tổ chức với mục tiêu nâng cao nhận thức chung về sự cần thiết của áp dụng công nghệ số trong xây dựng đến các cấp lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp. Khi đã có những nhận thức nhận định về cách mạng công nghiệp 4.0 và ảnh hưởng của nó đến ngành xây dựng, các đơn vị/doanh nghiệp tiến hành triển khai những chương trình và kế hoạch cụ thể nhằm tiếp cận với cuộc cách mạng này.
Thực trạng về việc áp dụng công nghệ số trong xây dựng 4.0 ở Việt Nam
Khi nói đến vấn đề áp dụng công nghệ số trong xây dựng tại Việt Nam, đối với doanh nghiệp chỉ có 2 nhóm được quan tâm và phát triển nhiều hơn cả, là: GIS (Hệ thống thông tin địa lý) và BIM. Những nhóm công nghệ số khác chưa thực sự được Nhà nước định hướng phát triển rõ ràng trong giai đoạn hiện tại.
Đối với Hệ thống thông tin địa lý GIS, (Geographic Information System) đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực từ rất sớm. Tuy nhiên, GIS vẫn chỉ tập trung phần lớn sự phát triển vào những ngành quản lý tài nguyên và môi trường. Và cho đến những năm gần đây ngành xây dựng mới ứng dụng GIS vào trong công tác khảo sát đo đạc, quản lý quy hoạch, quản lý hạ tầng kỹ thuật – cây xanh, cấp nước…
Một số văn bản được Nhà nước ban hành để thúc đẩy việc ứng dụng GIS trong xây dựng có thể kể đến là:
- Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030.
- Công văn số 3098/BTTTT-KHCN công bố Bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 (Phiên bản 1.0) với nhiều chỉ số gắn với nền tảng hệ thống thông tin địa lý GIS.
- Công văn số 1247/BXD-PTĐT về việc Hướng dẫn tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển đô thị thông minh.
Cùng với chủ trương thúc đẩy chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh, nhiều địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Huế,..đã từng bước ứng dụng GIS trong công tác quản lý đô thị và đã đạt được nhiều thành quả như đã xây dựng được hệ thống GIS cung cấp và quản lý dữ liệu trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, đất đai, hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị, nhà ở và bất động sản,…
Đối với BIM, đây được xem là chìa khóa cho công tác chuyển đổi số ngành xây dựng. Cũng bởi lý do này, mặc dù chỉ mới được quan tâm vài năm trở lại đây nhưng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản nhằm thúc đẩy áp dụng BIM vào các dự án xây dựng, điển hình như:
- Quyết định số 258/QĐ-TTg: Phê duyệt Lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng.
- Quyết định số 2500/QĐ-TTg: Phê duyệt Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.
- Nghị định số 10/2021/NĐ-CP: Về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
- Phụ lục VIII kèm theo Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng quy định về chi phí áp dụng BIM.
- ..v..v..
Với sự thúc đẩy của Nhà nước, đồng thời các doanh nghiệp cũng nhận thấy được những lợi ích của việc áp dụng BIM trong xây dựng, do đó mà hiện nay không ít doanh nghiệp lớn đã ứng dụng BIM vào các dự án đầu tư xây dựng của mình như: Becamex IDC, Vingroup, Novaland,…
Tuy nhiên, thực trạng là hầu hết BIM chỉ mới được áp dụng ở giai đoạn thiết kế, cải thiện công tác bóc tách kiểm soát khối lượng cũng như kiểm soát được chất lượng công trình, hồ sơ thi công của nhà thầu. Còn về các giai đoạn khác như nghiệm thu, vận hành, quản lý…công trình thì BIM vẫn chưa thực sự được quan tâm. Những khó khăn khiến BIM vẫn chưa được áp dụng mạnh mẽ là:
- Để áp dụng BIM, doanh nghiệp phải đầu tư chi phí lớn về máy móc, thiết bị, phần mềm cũng như điều chỉnh quy trình làm việc và đào tạo nguồn nhân lực.
- Kết quả của BIM trong giai đoạn ngắn hạn chưa được sử dụng nhiều ở các bước sau thiết kế.
- Phối hợp trao đổi giữa các bên liên quan trên môi trường chung CDE còn nhiều hạn chế.
- Nguy cơ chậm trễ, khó khăn thêm nếu công việc yêu cầu tiến độ ngắn hạn.
- Thách thức thay đổi hệ thống quản lý hoạt động xây dựng.
Mặc dù việc áp dụng BIM còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên cũng đã có những dự án đầu tư công và vốn Nhà nước ngoài đầu tư công áp dụng thành công BIM như: Dự án cầu Cửa Đại, tỉnh Quảng Ngãi; Dự án đầu tư xây dựng trụ sở Tập đoàn Viettel…
Để áp dụng công nghệ số trong xây dựng thành công, yếu tố đầu vào – là dữ liệu cũng được các doanh nghiệp quan tâm. Bởi dữ liệu đầu vào có chất lượng thì quá trình BIM hay xây dựng và quản lý hệ thống thông tin GIS mới được thực hiện chính xác. Xem ngay: Hành trang cần thiết cho công tác chuyển đổi số ngành xây dựng >>>