Sai số 2c và sai số MO thường được nhắc đến khi sử dụng máy kinh vĩ. Vậy sai số 2c, sai số MO là gì? Cách kiểm nghiệm và loại trừ sai số này ra sao? Hãy cùng Đất Hợp theo dõi bài viết dưới đây!
Sai số 2c, sai số MO là gì?
Sai số 2c và sai số MO là hai loại sai số xuất hiện trên máy kinh vĩ. Vậy cụ thể sai số 2c là gì, sai số MO là gì?
– Sai số 2c là gì?
Sai số 2c là một loại sai số gây ra do trục ngắm không vuông góc với trục quay của ống kính. Tại mỗi vị trí bàn độ phải hoặc trái, độ lệch này được ký hiệu là c. Khi quay ống kính đến vị trí bàn độ ngược lại, độ bị lệch đi sẽ có giá trị là 2c.
– Sai số MO là gì?
MO được hiểu là số đọc trên bàn độ đứng khi trục ngắm ở vị trí nằm ngang. Nếu máy đo góc nghiêng thì MO có giá trị bằng không, còn đối với máy đo góc thiên đỉnh thì MO sẽ có giá trị là 90 độ.
Tuy nhiên, trong quá trình chế tạo cũng như sử dụng sẽ có thể dẫn đến giá trị MO bị sai khác. Giá trị sai khác này được gọi là sai số MO (được ký hiệu là f), khi giá trị này lớn sẽ dẫn đến việc tính toán sai góc đo được.
Cách kiểm nghiệm và loại trừ sai số 2c và sai số MO
– Cách kiểm nghiệm và loại trừ sai số 2c
- Cách kiểm nghiệm sai số 2c:
Sau khi thực hiện cân bằng máy, đặt bàn độ đứng phía bên trái (với vị trí thuận ống kính). Tiếp đó, ngắm về một điểm nằm ngang so với ống kính sao cho nhìn thấy rõ nét. Tiến hành đọc số đọc trên bàn độ ngang, số này được gọi là số đọc T.
Xoay máy kinh vĩ, đảo ống kính, khi này bàn độ đứng sẽ nằm ở vị trí bên tay phải (vị trí đảo ống kính) và vẫn tiếp tục ngắm vào điểm đó. Tiến hành đọc số đọc trên bàn độ ngang, số này được gọi là số đọc P.
Sai số 2c được tính dựa trên công thức sau:
2c= T – P ± 180° (3.3)
Nếu 2c ≤ ±3mĐ (mĐ ký hiệu cho sai số đọc số của máy) thì có thể coi như điều kiện này đảm bảo. Ngược lại, nếu không đáp ứng thì cần phải điều chỉnh để loại bỏ sai số 2c.
Ví dụ: Khi tiến hành kiểm nghiệm điều kiện này của máy kinh vĩ điện tử T100 (mĐ=10’’), những số đọc được khi thực hiện kiểm nghiệm: T=21°16’10’’, P=201°15’50’’
Sai số 2c: 2c = 21°16’10’’ – (201°15’50’’ – 180°) = 20’’ < 3×10’’. Từ đó nhận thấy máy đã đạt điều kiện.
- Cách loại trừ sai số 2c:
Dựa trên công thức (3.3), ta có thể phân tích thành T0 – c = P0 + c ± 180°, với T0, P0 lần lượt là các số đọc không bị ảnh hưởng bởi sai số 2c.
Trong trường hợp máy kinh vĩ có xuất hiện sai số 2c, số đọc bị ảnh hưởng bởi sai số 2c là:
T = T0 – C và P = P0 + c (3.4)
Khi thực hiện đo góc bằng ở hai vị trí bàn độ trái và phải, trung bình của một hướng bất kì của góc này được tính theo công thức:
H = (T + P ± 180°)/2 (3.5)
Thay công thức (3.4) vào, ta được:
H = (T0 – c +P0 + c ± 180°)/2 = (T0 + P0 ± 180°)/2 (3.6)
Qua đó có thể thấy rằng, kết quả trung bình hướng trên công thức (3.6) không còn tồn tại sai số 2c. Vậy nên, khi thực hiện đo góc bằng ở hai vị trí bàn độ thì kết quả trung bình sẽ không chịu ảnh hưởng từ sai số 2c.
– Cách kiểm nghiệm và loại trừ sai số MO
- Cách kiểm nghiệm sai số MO:
Sau khi thực hiện việc cân bằng máy, đặt bàn độ đứng bên trái (bên thuận) và tiến hành ngắm về một điểm cụ thể sao cho rõ nét. Sau đó, đọc số đọc trên bàn độ đứng, số này được gọi là số đọc T.
Tiếp đó là xoay máy kinh vĩ, đảo ống kính, khi này bàn độ đứng sẽ nằm ở bên tay phải (nghịch), vẫn tiếp tục ngắm vào điểm đó rồi đọc số đọc trên bàn độ đứng, số đọc này được gọi là số đọc P.
Tùy thuộc vào máy kinh vĩ được dùng để đo góc nghiêng hay đo góc thiên đỉnh, cùng với tùy vào chế độ khắc vạch của bàn độ đứng mà công thức tính f sẽ không giống nhau.
Theo đó, nếu máy kinh vĩ đo góc nghiêng đang ở chế độ đo góc thiên đỉnh, sai số MO được xác định theo công thức:
f = (T + P – 360°)/2 (3.7a)
Còn đối với một số máy đo góc nghiêng, sai số MO được tính trên công thức:
f = (T + P + 180°)/2 (3.7b)
Nếu f ≤ ±3mĐ (mĐ được hiểu là sai số đọc số của máy) thì xem như điều kiện này đảm bảo. Ngược lại, nếu không đáp ứng điều kiện trên, máy cần phải được điều chỉnh. Khi đó, giá trị sai số MO được tính:
MO = 90° + f (máy kinh vĩ đo góc thiên đỉnh) (3.8a)
hoặc MO = 0° + f (máy kinh vĩ đo góc nghiêng) (3.8b)
Ví dụ: Khi sử dụng máy kinh vĩ đo góc đứng, được các số đọc: T = 72°54’30’’, P = 287°05’20’’. Qua đó nhận thấy rằng, đây là số đọc của máy đo góc thiên đỉnh, và giá trị sai số MO: f = (72°54’30’’ + 287°05’20’’ – 360°)/2 = -5’’
- Cách loại trừ sai số MO:
Khi thực hiện đo góc đứng ở hai vị trí bàn độ trái và phải, góc nghiêng ở hai vị trí thuận và đảo được tính theo công thức (với máy kinh vĩ đo thiên đỉnh):
Góc nghiêng trung bình giữa hai lần đo:
Trong công thức (3.10) MO đã bị triệt tiêu. Vậy, khi đo góc đứng ở hai vị trí ống kính thì kết quả trung bình sẽ không chịu ảnh hưởng từ sai số MO.
Bài viết trên đã đưa ra khái niệm, cũng như cách kiểm nghiệm và loại trừ sai số 2c, sai số MO khi sử dụng máy kinh vĩ. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào khác, hoặc có nhu cầu tư vấn thêm về thiết bị sử dụng trong đo đạc trắc địa, hãy liên hệ ngay đến HOTLINE 0903 825 125 để được hỗ trợ nhanh chóng nhất.
>>> Xem thêm: Cách sửa máy kinh vĩ (Lệch bọt thủy, dọi tâm; sai MO và 2C; không hiển thị góc ngang, góc đứng…)