Khi sử dụng Drone tại Việt Nam, người dùng cần đáp ứng, thực hiện đầy đủ những quy định sử dụng Drone để chuyến bay được diễn ra suôn sẻ, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn nắm rõ những quy định sử dụng Drone mới nhất 2022!

Quy định sử dụng Drone: Drone trước khi sử dụng phải được cấp phép

Nhằm hạn chế tối đa những nguy cơ ảnh hưởng đến quân sự, dân dụng và trật tự an toàn xã hội, do đó trước khi sử dụng Drone, các cá nhân hay tổ chức cần thực hiện thủ tục đăng ký bay cho những thiết bị bay không người lái. Việc này cũng giúp cho người dùng xác định được vị trí trong trường hợp bị thất lạc và chịu trách nhiệm nếu vi phạm những quy định đối với Drone.

Để hạn chế những rủi ro không đáng có, quy định sử dụng Drone mới nhất yêu cầu rằng thiết bị phải được cấp phép trước khi bay.

Hình 1. Để hạn chế những rủi ro không đáng có, quy định sử dụng Drone mới nhất yêu cầu rằng thiết bị phải được cấp phép trước khi bay.

Cơ quan có thẩm quyền cấp phép, từ chối hoặc đình chỉ bay: Căn cứ theo Điều 8 Nghị định 36/2008/NĐ-CP ngày 28/3/2008, Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu được cấp phép hoặc từ chối cấp phép đối với những thiết bị máy bay không người lái các mô hình bay có người điều khiển nhưng không cất cánh, hạ cánh tại các sân bay được phép hoạt động.

Hồ sơ, thủ tục xin cấp phép sử dụng Drone

– Hồ sơ xin cấp phép sử dụng Drone

Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Nghị định 36/2008/NĐ-CP, hồ sơ xin cấp phép sử dụng Drone tại Việt Nam bao gồm:

  • Đơn xin cấp phép bay (mẫu đơn tại Nghị định 79/2011/NĐ- CP) (Điền theo biểu mẫu bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh).
  • Tổng hợp các tài liệu kỹ thuật về máy bay không người lái, gồm có: Ảnh chụp, thông số kỹ thuật, thông tin về tính năng của Drone.
  • Giấy phép (hoặc giấy ủy quyền) hợp pháp cho phép thiết bị bay thực hiện cất cánh, hạ cánh tại các khu vực được phép, bao gồm cả khu vực trên mặt đất và mặt nước.
  • Những giấy tờ, tài liệu chính thống khác có liên quan đến thiết bị bay.

– Thời gian hoàn thành thủ tục đăng ký Drone

Cá nhân hay tổ chức cần nộp đơn xin cấp phép tới Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu trước ngày tổ chức thực hiện các chuyến bay ít nhất 7 ngày. Đối với đơn xin sửa lại phép bay cũng cần gửi tới Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu trước ngày bay ít nhất là 7 ngày.

– Nội dung của giấy xin cấp phép bay Drone

Nội dung giấy phép bay máy bay không người lái trong quy định sử dụng Drone bao gồm:

  • Thông tin cá nhân, tổ chức đăng ký cần có: Tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ.
  • Thông tin về thiết bị Drone bao gồm: Ảnh chụp, thông số kỹ thuật và các tính năng của máy bay.
  • Thông tin về khu vực được tổ chức hoạt động bay, hướng bay…
  • Thời hạn, thời gian được tổ chức bay và mục đích thực hiện bay.
  • Các quy định liên quan về thông báo hiệp đồng bay, cơ quan được chỉ định để quản lý, giám sát hoặc điều hành bay.
  • Các nội dung thuộc quy định về an ninh, quốc phòng khác.

Mẫu đơn đề nghị cấp phép bay dành cho máy bay không người lái.

Hình 2. Mẫu đơn đề nghị cấp phép bay dành cho máy bay không người lái.

– Thời gian phản hồi đơn đề nghị cấp phép bay

Điều 10 Nghị định 36/2008/NĐ-CP quy định, sau tối đa 5 ngày kể từ ngày tiếp nhận đơn đề nghị cấp phép bay từ các cá nhân, tổ chức, Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu sẽ thực hiện cấp phép cho người đăng ký. Đối với những đơn xin sửa đổi phép bay, thời hạn xử lý đơn là 3 ngày để Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu cấp phép bay.

– Các lưu ý về giấy phép bay UAV

  • Giấy phép bay không được tái sử dụng nhiều lần và chỉ có hiệu lực trong một khoảng thời gian và tại một địa điểm nhất định theo thông tin đăng ký.
  • Tuyệt đối không sử dụng sai số lượng hoặc chủng loại thiết bị UAV so với thông tin được đăng ký trong giấy phép bay.
  • Phí cấp phép được tính dựa vào yêu cầu cấp phép cụ thể.

Trách nhiệm của đơn vị tổ chức hoạt động bay Drone

Dựa vào Điều 13 của Nghị định 79/2011/NĐ-CP, các đơn vị tổ chức bay Drone cần tuân thủ:

  • Đăng ký xin cấp phép bay Drone trước khi thực hiện bay.
  • Thông báo về lịch bay dự kiến trước ngày bay.
  • Hiểu rõ mọi quy định, nội dung khi tổ chức bay.
  • Tuân thủ theo quy tắc, quy định, điều kiện trong thời gian bay.
  • Thực hiện nghiêm chỉnh quyết định đình chỉ bay và báo cáo đầy đủ, chính xác kết quả bay về cơ quan giám sát, điều hành bay.
  • Bồi thường thiệt hại trong trường hợp xảy ra các vấn đề mất an toàn về người và của.

Các hành vi bị nghiêm cấm không được phép bay

Trong Khoản 1 Điều 14 của Nghị định 36/2008/NĐ-CP quy định về các hành vi bị nghiêm cấm không được phép tổ chức bay:

  • Tổ chức bay khi chưa được cấp giấy phép bay.
  • Bay vượt ra ngoài phạm vi giới hạn cho phép của thiết bị. Vi phạm quy định về quản lý lãnh thổ và biên giới quốc gia.
  • Thiết bị bay chở theo các chất phóng xạ, chất gây cháy nổ.
  • Khi Drone đang bay thả các đồ vật hay các chất nguy hiểm từ trên không xuống mặt đất.
  • Gắn thêm các thiết bị không được cho phép nhằm mục đích quay chụp trên không.
  • Thực hiện các hành vi treo cờ, phát loa tuyên truyền không đúng với quy định của cấp phép bay.
  • Không thực hiện nghiêm chỉnh các lệnh, hiệu lệnh từ cơ quan giám sát, điều hành bay.

Xử phạt những hành vi vi phạm hoạt động bay

Quy định sử dụng Drone từ Điều 16 Nghị định 36/2008/NĐ-CP, khi các cá nhân hay tổ chức vi phạm những quy định về luật bay, tùy theo mức độ sai phạm mà có hình thức xử phạt tương ứng như phạt hành chính, thu hồi giấy phép bay đã cấp, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong lĩnh vực hàng không dân dụng, khoản 5 Điều 19 Nghị định 147/2013/ NĐ-CP, mức xử phạt vi phạm hành chính được quy định:

  • Phạt từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với những trường hợp cá nhân thực hiện chuyến bay không đúng với phép bay và mục đích bay như đã khai báo.
  • Phạt từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với những trường hợp cá nhân tổ chức hoạt động bay mà không có giấy phép bay.

Những khu vực bị cấm và hạn chế bay tại Việt Nam

Quyết định số 18/2020/QĐ-TT của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/06/2020 quy định và thiết lập các khu vực hạn chế bay và cấm bay đối với các thiết bị bay không người lái. Do đó, người chơi Drone cần nắm rõ các khu vực cấm và hạn chế này để có kế hoạch bay an toàn.

Cần lưu ý về những khu vực bị cấm và hạn chế bay để tránh vi phạm quy định sử dụng Drone tại Việt Nam.

Hình 3. Cần lưu ý về những khu vực bị cấm và hạn chế bay để tránh vi phạm quy định sử dụng Drone tại Việt Nam.

– Những khu vực Drone bị hạn chế bay

  • Khu vực vùng trời có độ cao trên 120m so với địa hình (không bao gồm các khu vực bị cấm bay).
  • Khu vực có đông dân cư, đông người.
  • Các khu vực biên giới: Khu vực giáp với Trung Quốc cách đường biên 25.000m ở mọi độ cao; Khu vực giáp với Lào, Campuchia cách đường biên 10.000m ở mọi độ cao.
  • Khu vực giáp với những vùng bị cấm bay tại cảng hàng không, sân bay có máy bay hàng không dân dụng hoạt động, máy bay quân sự mở rộng ra phía ngoài (rộng 3.000m; dài 5.000m), được tính từ ranh giới khu vực cấm bay tại cảng hàng không, sân bay tại độ cao thấp hơn 120m so với địa hình.
  • Đối với một số trường hợp, các thiết bị bay không người lái có thể được phép bay trong các khu vực hạn chế nếu đáp ứng được các yêu cầu của tổ chức cấp phép bay.

– Những khu vực Drone bị cấm bay

  • Những nơi bao gồm các công trình quốc phòng hoặc các quân khu đặc biệt, do Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo, quản lý và bảo vệ. (Drone được phép bay cách ranh giới khu vực cấm này tối thiểu 500m theo chiều ngang ở mọi độ cao).
  • Khu vực là trụ sở, nơi làm việc của các bộ, cơ quan, ban, ngành Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Trung Ương các cấp tỉnh, cấp thành phố trực thuộc Trung Ương, những cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự quán, cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam. (Drone được phép bay cách ranh giới khu vực cấm này tối thiểu 200m theo chiều ngang ở mọi độ cao).
  • Khu vực quốc phòng, an ninh quốc gia. (Drone được phép bay cách ranh giới khu vực cấm này tối thiểu 500m theo chiều ngang ở mọi độ cao).
  • Khu vực tại cảng hàng không, sân bay có máy bay hàng không dân dụng, quân sự đang hoạt động (xem chi tiết tại quyết định 18/2020/QĐ-TTg).
  • Những khu vực nằm trong giới hạn hoạt động của đường hàng không, các vệt bay, hành lang bay được cấp phép trong vùng trời Việt Nam, phạm vi giới hạn của đường hàng không đã được Cục Hàng không Việt Nam công bố trên Tập thông báo tin tức hàng không của Việt Nam “AIP Việt Nam”.

Khi sử dụng Drone tại Việt Nam, người dùng luôn phải đảm bảo rằng thiết bị đang hoạt động đúng theo quy định sử dụng Drone mới nhất được ban hành. Mong rằng bài viết vừa rồi đã cung cấp những thông tin cần biết về quy định sử dụng Drone mới nhất 2022. Hãy liên hệ ngay đến HOTLINE 0903 825 125 để được tư vấn chi tiết, cũng như tìm hiểu về thiết bị, kỹ thuật khi sử dụng thiết bị máy bay không người lái.

>>> Xem thêm: Cách khắc phục Drone bị nghiêng khi bay hiệu quả nhất!

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

Untitled 1 01 01

CÔNG TY TNHH ĐẤT HỢP
Địa chỉ: Số 2, Đường số 4, Khu nhà ở Vạn Phúc 1, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM
Tel: (028).3.6208.606
Mobile: 0903 825 125
Email: cskh@dathop.com.vn
Website: https://dathop.com/  –  https://dathop.com.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/congtydathop