“Net Zero” – giảm phát thải nhà kính là giải pháp hiệu quả để giảm tác động tiêu cực đến môi trường và giúp ngành xây dựng phát triển bền vững. Để đạt được trạng thái Net Zero trong xây dựng cần có sự đồng hành của cả Nhà nước và Doanh nghiệp.
Trạng thái Net Zero là gì? Vì sao ngành xây dựng hướng đến Net Zero?
Net Zero là trạng thái cân bằng giữa lượng khí nhà kính đi vào khí quyển và lượng khí được đào thải. Cụm từ này xuất hiện là do biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính đang trở nên nghiêm trọng và trở thành thách thức cần giải quyết trên toàn cầu.
Theo báo cáo mới nhất từ IPCC (Hội đồng liên Chính phủ về biến đổi khí hậu) công bố vào năm 2021 đã chỉ ra rằng hoạt động của con người đóng góp phần lớn làm tăng nồng độ khí nhà kính, đặc biệt là khí CO2. Trong vòng 100 năm qua, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 1°C. Đây là điều đáng lo ngại.
Nồng độ của CO2 trong khí quyển trước cuộc cách mạng công nghiệp ổn định ở mức khoảng 280 ppm. Tuy nhiên, hiện nay, con số này đã tăng lên khoảng 410 ppm, là mối nguy cho cả môi trường và xã hội. Các con số này không chỉ phản ánh sự tăng trưởng của công nghiệp và đô thị, mà còn cảnh báo về việc sử dụng nguồn năng lượng không tái tạo và phát thải lượng lớn khí CO2 ra môi trường.
Đối với ngành xây dựng, quá trình phát triển kinh tế – xã hội đã kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của ngành này. Ngày càng có nhiều nhà ở, tòa nhà cao tầng, đường xá, cầu cống, cơ sở hạ tầng… được hình thành và đổi mới. Để phục vụ cho điều này con người đã khai thác và sử dụng lượng lớn tài nguyên, đồng thời cũng thải vào môi trường nhiều chất nguy hại, gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái.
Các thống kê cho biết, lượng khí thải Carbon phát ra từ các hoạt động xây dựng như thiết kế, sản xuất, thi công… trên toàn thế giới chiếm tới gần 40% tổng lượng khí thải, trong đó việc sản xuất vật liệu xây dựng như thép, xi măng và thủy tinh chiếm đến 11%.
Qua đó có thể thấy rằng, nếu ngành xây dựng cứ phát triển nhưng không tính đến việc giảm phát thải lượng chất thải này, diễn biến của biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính sẽ ngày càng nghiêm trọng, gây ra nhiều hệ lụy và làm ảnh hưởng đến sự sống của toàn bộ sinh vật trên Trái Đất.
Do đó, tiến đến trạng thái “Net Zero” – giảm phát thải nhà kính là giải pháp hiệu quả để giảm tác động tiêu cực đến môi trường và giúp ngành xây dựng phát triển bền vững.
Làm thế nào để đạt được trạng thái Net Zero trong xây dựng?
Để đạt được trạng thái Net Zero trong xây dựng cần có sự đồng hành của cả Nhà nước và Doanh nghiệp.
Đối với Nhà nước, Chính phủ Việt Nam thông qua Nghị định 06/2022/NĐ-CP – Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, đề ra mục tiêu Tổng giảm thiểu phát thải khí nhà kính tối thiểu giai đoạn đến năm 2030 là 563,8 (triệu tấn CO2tđ), trong đó Bộ Xây dựng đóng góp vào mục tiêu này 74,3 (triệu tấn CO2tđ). Và đến năm 2050, mục tiêu đặt ra là Việt Nam sẽ có các công trình với Carbon vận hành và hàm chứa bằng 0.
Thêm vào đó, vào ngày 12/5/2022, Bộ Xây dựng đã phê duyệt Quyết định số 385/QĐ-BXD – Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Với Việt Nam, giảm phát thải và tiến tới trung hòa Carbon không chỉ là nhiệm vụ mà còn là cơ hội để quốc gia phát triển bền vững. Phát triển các vật liệu xanh thân thiện với môi trường và áp dụng các công nghệ mới trong xây dựng sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên. Xu hướng xây dựng chính trong tương lai sẽ là đô thị xanh, thông minh, bền vững và thích nghi với biến đổi khí hậu, kết hợp với quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa của đất nước.
Đối với doanh nghiệp, để đạt được trạng thái Net Zero trong xây dựng không thể thiếu sự chung tay của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành. Xây dựng “công trình xanh” được dự đoán sẽ là xu thế phát triển trong tương lai. Một số giải pháp được đưa ra cho các doanh nghiệp có thể kể đến như:
- Sử dụng chất liệu, vật liệu xây dựng ít phát ra khí thải nhà kính. Hiện nay, vật liệu được sử dụng phổ biến trong xây dựng là xi măng, tuy nhiên vật liệu này lại được coi là một trong những nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng nhà kính. Do đó, tìm kiếm và phát triển các nguồn vật liệu thay thế xi măng được xem là vấn đề quan trọng cần tập trung để hướng đến trạng thái Net Zero trong xây dựng.
- Dùng những phương pháp để tiêu thụ hoặc hấp thụ khí thải CO2 phát ra trong quá trình xây dựng/thi công…
Những công trình xanh không chỉ góp phần làm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và giảm mức độ phụ thuộc vào nguồn vật liệu xây dựng không tái tạo mà còn tạo nên những “tác phẩm nghệ thuật” thể hiện sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, đẹp mắt và bền vững.
Những công trình xanh không chỉ góp phần làm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và giảm mức độ phụ thuộc vào nguồn vật liệu xây dựng không tái tạo mà còn tạo nên những “tác phẩm nghệ thuật” thể hiện sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, đẹp mắt và bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh việc xây dựng mới, cải tạo và nâng cao hiệu suất năng lượng của các tòa nhà đã tồn tại cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong mục tiêu hướng đến Net Zero trong xây dựng. Nhiều giải pháp đã được đưa ra như: giảm tiêu thụ năng lượng đến 50% và đảm bảo tài chính để thực hiện cải tạo năng lượng; sử dụng hệ thống quản lý năng lượng (Building Energy management, BEM) hiện đại trong quá trình vận hành tòa nhà; hay áp dụng công nghệ thông minh để tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng…
Nguồn tham khảo: baoxaydung.com.vn
>>> Xem thêm: Thực trạng về việc áp dụng công nghệ số trong xây dựng 4.0 ở Việt Nam