Đường chuyền và lưới đường chuyền cấp 2 là những khái niệm cơ bản cần biết trong việc xây dựng lưới khống chế địa hình. Vậy cụ thể đường chuyền và lưới đường chuyền cấp 2 là gì? Lưới đường chuyền cấp 2 có những đặc trưng nào? Hãy cùng Đất Hợp tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Đường chuyền là gì? Các dạng đường chuyền cơ bản
– Khái niệm đường chuyền
Đường chuyền (còn được gọi với nhiều tên khác như đường sườn, đường đa giác) là một dạng cơ bản của lưới khống chế tọa độ mặt bằng. Đường chuyền trong trắc địa có dạng đường gãy khúc được nối từ những điểm bố trí tại khu đo.
Để xác định được vị trí tương hỗ giữa các điểm, ta cần đo tất cả các góc ngoặt và các cạnh của đường chuyền. Khi đã biết được góc phương vị của một cạnh và tọa độ của một điểm, ta sẽ dễ dàng xác định được góc phương vị của các cạnh và tọa độ của những điểm khác trên đường chuyền.
– Các dạng cơ bản của đường chuyền
Khi sử dụng phương pháp đường chuyền để xây dựng lưới khống chế tọa độ, có 3 dạng đường chuyền cơ bản, bao gồm:
- Đường chuyền phù hợp: Sử dụng đối với khu vực đo kéo dài, có hai đầu là các điểm khống chế cấp cao.
- Đường chuyền khép kín: Sử dụng đối với khu vực đo không lớn.
- Lưới đường chuyền: Sử dụng đối với khu đo rộng lớn, được tạo ra từ sự bố trí kết hợp giữa nhiều đường chuyền khép kín và đường chuyền phù hợp.
– Phân loại đường chuyền
Đường chuyền có thể được phân loại dựa theo độ chính xác hoặc theo phương pháp đo cạnh.
- Phân loại đường chuyền dựa theo độ chính xác: Với phương pháp đo đường chuyền, người ta có thể xác định được độ chính xác của các tọa độ điểm tương đương với dạng lưới tam giác.
+ Lưới đường chuyền hạng II, III và hạng IV có độ chính xác tương đương lưới tam giác nhà nước theo cùng hạng.
+ Lưới đường chuyền cấp 1, lưới đường chuyền cấp 2 với độ chính xác tương đương với lưới tam giác giải tích cùng cấp.
- Phân loại đường chuyền dựa theo phương pháp đo cạnh: Mỗi phương pháp đo chiều dài cạnh đường chuyền sẽ sử dụng dụng cụ đo khác nhau và độ chính xác ở mức độ nhất định.
+ Đường chuyền đo cạnh trực tiếp: đo trực tiếp chiều dài các cạnh đường chuyền bằng thước thép hoặc thước dây Invar.
+ Đường chuyền đo dài quang học: sử dụng các máy đo dài quang học.
+ Đường chuyền đo dài theo phương pháp thị sai – đáy ngắn: đo gián tiếp chiều dài cạnh đường chuyền thông qua cạnh đáy ngắn được đo trực tiếp hoặc đáy ngắn cố định và góc nhỏ đối diện cạnh đáy.
+ Đường chuyền đo dài điện quang: đo chiều dài cạnh đường chuyền bằng máy đo dài sử dụng sóng ánh sáng hoặc sóng ngắn radio.
Lưới đường chuyền cấp 2 là gì?
– Khái niệm lưới đường chuyền và lưới đường chuyền cấp 2
Lưới đường chuyền là một dạng lưới khống chế có nhiều vòng khép, nhiều điểm nút được đo nối vào điểm khống chế hạng cao. Lưới đường chuyền được thành lập khi địa hình không đủ thoáng hoặc bị che khuất không thể bố trí lưới tam giác.
Lưới đường chuyền cấp 2 được sử dụng khi xây dựng lưới khống chế khu vực, dùng để khống chế địa hình và có độ chính xác tương đương với lưới tam giác giải tích cấp 2.
Việc sử dựng lưới đường chuyền để xây dựng lưới khống chế địa hình mang lại những ưu điểm riêng biệt, chẳng hạn như:
- Dễ chọn điểm, dễ thông hướng đo đối với các khu vực địa hình phức tạp hoặc có quá nhiều địa vật che khuất.
- Hình dạng của đường chuyền rất linh hoạt, nhờ đó ta dễ đưa các điểm khống chế vào khu vực che khuất, dễ phân bố điểm.
- Thuận lợi hơn khi đo góc nằm ngang trong đường chuyền.
– Đặc trưng của lưới đường chuyền cấp 2
Những đặc trưng cơ bản của lưới đường chuyền cấp 2 được thể hiện cụ thể trong bảng sau:
Đặc trưng kỹ thuật | Lưới đường chuyền cấp 2 |
---|---|
Chiều dài tối đa của đường chuyền (km) | |
– Nối hai điểm cấp cao | 3 |
– Nối điểm cấp cao đến điểm nút | 2 |
– Nối hai điểm nút | 1.5 |
– Vòng khép kín | 9 |
Chiều dài cạnh | |
– Lớn nhất | 0.35 |
– Nhỏ nhất | 0.08 |
Số lượng cạnh tối đa trong một đường chuyền | 15 |
Sai số trung phương đo góc | ±10’’ |
Sai số khép đo góc giới hạn | 20’’.√(n) |
Sai số khép tương đối giới hạn fs/[S] | 1:5000 |
– Đo đạc lưới đường chuyền cấp 2
Đo đạc lưới đường chuyền cấp 2 bao gồm đo 2 yếu tố, bao gồm đo góc đường chuyền và đo cạnh đường chuyền.
Đối với việc đo góc của lưới đường chuyền cấp 2, các góc cần được đo với sai số trung phương tương ứng 5’’, 10’’. Bên cạnh đó, cạnh của đường chuyền cấp 2 thường tương đối ngắn, do đó để đo góc đường chuyền, người ta sử dụng máy kinh vĩ điện tử đã được kiểm nghiệm và hiệu chuẩn chính xác bộ phận dọi tâm quang học. Khi đo góc của đường chuyền cần đảm bảo thống nhất một chiều đo để luôn đo được các góc ở một phía của đường chuyền.
Đối với việc đo cạnh của lưới đường chuyền cấp 2, cạnh của đường chuyền có thể được đo bằng phương pháp truyền thống hoặc sử dụng các máy đo dài điện quang. Đường chuyền cấp 2 có độ dài từ 80 đến 350 mét và trong quá trình đo cần chú ý đo các yếu tố khí tượng cần thiết để có thể tính số hiệu chỉnh.
Mong rằng bài viết này đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích về đường chuyền và lưới đường chuyền cấp 2. Mọi thắc mắc, cần tư vấn thêm thông tin chi tiết về các vấn đề trong đo đạc, trắc địa, hãy liên hệ ngay đến HOTLINE 0903 825 125 để được hỗ trợ nhanh nhất!
>>> Xem thêm: 2 bước giúp bình sai lưới khống chế mặt bằng hiệu quả