BIM nhận được nhiều sự quan tâm của các đơn vị/doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là trong thời gian gần đây khi nó được xem là chìa khóa để chuyển đổi số của ngành này. Liên quan đến chi phí áp dụng quy trình BIM, mỗi quốc gia sẽ có những cơ chế chính sách liên quan khác nhau. Tại Việt Nam, chi phí áp dụng quy trình BIM đối với dự án được thực hiện trong quá trình lập dự án, thiết kế, giám sát thi công, quản lý dự án sẽ được xác định bằng dự toán và không lớn hơn 50% chi phí thiết kế.

Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng

Ngày 09/02/2021, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ xây dựng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Trong đó, chi phí áp dụng quy trình BIM nằm trong chi phí tư vấn đầu tư xây dựng – Điều 31, Chương V của nghị định này.

Cơ chế chính sách chi phí áp dụng quy trình BIM trong ngành xây dựng tại Việt Nam

Một vòng đời của Mô hình thông tin công trình (BIM).

Dựa theo Điều 31: Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, bao gồm:

  • Chi phí lập nhiệm vụ/phương án khảo sát xây dựng, thiết kế; thực hiện công tác khảo sát/giám sát khảo sát xây dựng; lập Báo cáo (nếu có) nghiên cứu về tiền khả thi/tính khả thi trong việc đầu tư xây dựng, đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng.
  • Chi phí thẩm tra báo cáo (các báo cáo kể trên), phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thiết kế xây dựng công trình, dự toán xây dựng.
  • Chi phí thẩm định các loại hồ sơ mời quan tâm/mời sơ tuyển/mời thầu, hồ sơ yêu cầu đánh giá hồ sơ quan tâm/sơ tuyển/dự thầu/đề xuất chọn nhà thầu; thẩm định kết quả chọn nhà thầu trong xây dựng/giám sát thi công/giám sát lắp đặt thiết bị.
  • Chi phí lập và thẩm tra định mức xây dựng, giá/chỉ số giá xây dựng, an toàn giao thông, áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM).
  • Các chi phí khác (nếu có) như: Chi phí tư vấn quản lý dự án, kiểm tra chất lượng vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư; kiểm định chất lượng bộ phận/hạng mục/toàn bộ công trình; giám sát/đánh giá dự án đầu tư xây dựng công trình (nếu thuê tư vấn).
  • Chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ/chính thức, quan trắc/giám sát môi trường trong quá trình thi công xây dựng (theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường).
  • Chi phí thực hiện quy đổi vốn đầu tư xây dựng sau khi công trình hoàn thành được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.
  • Xem chi tiết Nghị định 10/2021/NĐ-CP >>>

Nghị định 10/2021/NĐ-CP áp dụng cho các cơ quan/tổ chức/cá nhân có liên quan đến việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng ở các dự án xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công hoặc các dự án PPP (dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư).

Đối với các dự án ngoài đối tượng áp dụng trên, các tổ chức/cá nhân tham khảo Nghị định này để quản lý hiệu quả hơn chi phí đầu tư xây dựng cho dự án của mình. Hiện nay, đối với các dự án xây dựng sử dụng vốn khác khi có yêu cầu áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) từ Chủ đầu tư, một số nhà thầu khi áp dụng mô hình BIM để phục vụ cho công tác thi công thì chi phí áp dụng BIM đang được tính vào hạng mục chi phí chung của Nhà thầu.

Phụ lục VIII kèm theo Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng

Ngày 31/08/2021, theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng và Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 12/2021/TT-BXD ban hành định mức xây dựng. Tại Phụ lục VIII – Định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng, được ban hành kèm theo Thông tư này đã quy định về chi phí áp dụng quy trình BIM như sau:

“Trường hợp dự án, công trình, gói thầu có yêu cầu áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong quá trình lập dự án, thiết kế, giám sát thi công, quản lý dự án thì chi phí áp dụng BIM xác định bằng dự toán chi phí nhưng không quá 50% chi phí thiết kế xác định theo hướng dẫn tại Thông tư này.”

Một số quan điểm về Cơ chế chính sách chi phí áp dụng BIM trong ngành xây dựng tại Việt Nam

Một số chuyên ra cho rằng cơ chế chính quy định định mức chi phí áp dụng BIM của Nhà nước đưa ra như đã nêu trên là khá phù hợp với bối cảnh Việt Nam hiện nay.

Đứng ở góc độ của Chủ đầu tư, ông Lê Quang Thắng – Điều phối BIM công trình hạ tầng của Becamex IDC (Bình Dương) cho biết rằng Ban lãnh đạo của Becamex IDC rất quan tâm đến công tác chuyển đổi số ngành xây dựng. Thực tế áp dụng BIM của Becamex IDC trong quản lý thi công cho thấy được nhiều lợi ích hơn so với chi phí đầu tư ban đầu (ví dụ như: đầu tư máy móc, phần mềm và nhân lực thực hành BIM…). Becamex IDC cũng đang tuân thủ đúng chi phí áp dụng BIM theo Thông tư số 12/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng chi phí áp dụng BIM được ban hành trong giai đoạn này là khá thấp, chưa đáp ứng được chi phí thực tế đối với các đơn vị áp dụng BIM tiên phong tại Việt Nam (theo Ông Trần Văn Tâm – Tổng giám đốc IDECO Việt Nam).

Ông Noah Arles – Giám đốc kỹ thuật AEC ASEAN, Autodesk cho biết rằng theo kinh nghiệm làm việc của Autodesk ở nhiều quốc gia, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng rất mong muốn rằng quyết định về việc áp dụng BIM là nhà thầu hơn là đơn vị thiết kế. Trong khi ở Việt Nam, việc áp dụng mô hình thông tin BIM mới chủ yếu nhìn nhận ở giai đoạn thiết kế là chính, đặc biệt là ở các dự án công trình giao thông.

Xem bài viết trên tapchixaydung.vn để có cái nhìn chi tiết hơn về Cơ chế chính sách chi phí áp dụng BIM trong ngành xây dựng tại Việt Nam.

Chi phí áp dụng BIM hay những vấn đề liên quan khác đến BIM ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các đơn vị hoạt động trong ngành xây dựng. Và một trong những vấn đề nổi trội khác bên cạnh chi phí là “Làm thế nào để có được dữ liệu đầu vào cho BIM chất lượng?”. Xem ngay bài viết sau: GIẢI PHÁP NÀO CHO CÔNG TÁC CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XÂY DỰNG? >>>

>>> Xem thêm: “Scan to BIM” là gì? Quy trình “Scan to BIM” với máy quét 3D laser