Trong xu hướng chuyển đổi số ngành xây dựng, “Mô hình BIM” là cụm từ được nhiều người quan tâm bởi nó đóng vai trò như một chìa khóa cho công tác chuyển đổi số. Vậy cụ thể Mô hình BIM là gì? Và tại sao nó lại quan trọng? Hãy cùng Đất Hợp tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mô hình BIM là gì?
Thuật ngữ BIM trong kỹ thuật có ý nghĩa bao chùm 2 cụm từ là “Building Information Modeling” và “Building Information Model”.
BIM (Building Information Modeling – Mô hình thông tin công trình) là một phương pháp tiếp cận tích hợp trong lĩnh vực xây dựng, kết hợp giữa công nghệ, quy trình và con người nhằm tạo lập, quản lý và sử dụng thông tin số của công trình trong suốt vòng đời của nó – từ khâu thiết kế, thi công đến vận hành và bảo trì. Khác với bản vẽ 2D truyền thống, mô hình BIM là mô hình 3D chứa đựng dữ liệu kỹ thuật chi tiết của từng bộ phận công trình như kích thước, vật liệu, chi phí, thời gian thi công, hiệu năng vận hành và nhiều yếu tố khác.
>>> Xem thêm: Quyết định 258/QĐ-TTg: Phê duyệt Lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng
Bản chất của mô hình BIM
Mô hình BIM không chỉ là một bản vẽ kỹ thuật số ba chiều. Nó là một cơ sở dữ liệu thông tin tích hợp cho toàn bộ dự án. Mỗi đối tượng trong mô hình – như cột, dầm, cửa sổ hay hệ thống cơ điện – đều mang theo thông tin cụ thể về hình dạng, vật liệu, thông số kỹ thuật, và cả lịch sử chỉnh sửa. Nhờ vậy, BIM cho phép các bên liên quan (kiến trúc sư, kỹ sư kết cấu, kỹ sư MEP, nhà thầu, quản lý vận hành…) cùng làm việc trên một nền tảng thông tin duy nhất và nhất quán.
Mô hình BIM có thể tích hợp các chiều thông tin khác như:
- 3D – Mô hình hình học không gian.
- 4D – thông tin thời gian (lập kế hoạch và tiến độ),
- 5D – thông tin chi phí,
- 6D – thông tin về vận hành, bảo trì,
- 7D – thông tin về vòng đời, tính bền vững của công trình.
Tại sao BIM lại quan trọng?
– Tăng hiệu quả thiết kế và thi công
BIM giúp phát hiện và xử lý xung đột giữa các hệ thống kỹ thuật ngay từ giai đoạn thiết kế. Ví dụ, hệ thống ống dẫn nước có thể đụng với hệ kết cấu dầm sàn; BIM sẽ tự động phát hiện và cảnh báo cho kỹ sư xử lý. Điều này giảm thiểu sai sót, tránh sửa chữa tốn kém trong quá trình thi công.
– Tối ưu hóa chi phí và thời gian
Nhờ tích hợp thông tin về khối lượng, giá thành vật liệu và tiến độ thi công, BIM giúp lập dự toán và quản lý chi phí sát thực tế hơn. Mô hình 4D và 5D hỗ trợ các nhà quản lý lập kế hoạch xây dựng hiệu quả, rút ngắn thời gian thi công, hạn chế lãng phí và trì hoãn.
– Tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan
BIM thúc đẩy một môi trường làm việc cộng tác giữa các bên: thiết kế, thi công, giám sát và chủ đầu tư. Nhờ cơ sở dữ liệu chung, mọi thay đổi đều được ghi nhận và cập nhật tức thời. Điều này giúp giảm xung đột thông tin, minh bạch quá trình thực hiện và dễ dàng kiểm soát chất lượng công trình.
– Hỗ trợ vận hành và bảo trì công trình
Sau khi hoàn thành, mô hình BIM không bị “bỏ xó” như bản vẽ truyền thống mà tiếp tục được sử dụng trong giai đoạn vận hành. Chủ đầu tư hoặc ban quản lý công trình có thể dùng mô hình BIM để theo dõi tình trạng thiết bị, lập lịch bảo trì, phân tích hiệu suất năng lượng, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và kéo dài tuổi thọ công trình.
>>> Xem thêm: Ứng dụng BIM-GIS trong: Thiết kế, thi công, vận hành và bảo trì công trình
– Thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng
BIM là nền tảng quan trọng trong xu hướng chuyển đổi số ngành xây dựng (Construction 4.0). Nó tạo tiền đề cho việc tích hợp công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), in 3D, robot xây dựng và Internet vạn vật (IoT) vào quy trình thiết kế, thi công và vận hành.
BIM ngày càng được áp dụng rộng rãi trong các dự án xây dựng quy mô lớn và phức tạp như sân bay, trung tâm thương mại, bệnh viện, hạ tầng giao thông… Ở nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc…, BIM đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các dự án công. Tại Việt Nam, BIM đang dần được khuyến khích áp dụng và có nhiều dự án lớn đã thử nghiệm thành công như tuyến đường sắt metro, Trụ sở Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel),…
Từ đó ta thấy được mô hình BIM không chỉ là bước tiến công nghệ mà còn là cuộc cách mạng trong quản lý và triển khai dự án xây dựng. Bằng cách cung cấp một nền tảng hợp tác số hoá toàn diện, BIM góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của công trình. Trong bối cảnh ngành xây dựng đang chịu áp lực phải đổi mới để thích ứng với xu thế số hóa và phát triển bền vững, BIM chính là công cụ then chốt giúp các tổ chức và doanh nghiệp xây dựng tạo lợi thế cạnh tranh trong tương lai.
Liên hệ ngay Đất Hợp qua HOTLINE 0903 825 125 để tìm hiểu về cách thu thập dữ liệu và ứng dụng mô hình BIM trong chuyển đổi số ngành xây dựng nhé!
>>> Xem thêm: “Scan to BIM” là gì? Quy trình “Scan to BIM” với máy quét 3D laser