Ngày 11/10/2024, Bộ trưởng Bộ xây dựng đã ký quyết định số 926/QĐ-BXD “Phê duyệt đề án chuyển đổi số ngành xây dựng giai đoạn 2024 – 2025, định hướng đến năm 2030”. Quyết định này đã tập trung đưa ra những quan điểm và mục tiêu cụ thể cho đề án, đồng thời cũng đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cần thực hiện để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số ngành xây dựng.
Quan điểm
Trong quyết định 926/QĐ-BXD, Bộ trưởng Bộ xây dựng đã phê duyệt 5 quan điểm chính sau:
- Bám sát và cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Chính phủ về chuyển đổi số. Phát huy tối đa các nguồn lực, đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ hiệu quả cho công tác chuyển đổi số ngành xây dựng.
- Công tác chuyển đổi số ngành xây dựng phải phù hợp với định hướng và mục tiêu chung của chuyển đổi số quốc gia.
- Ứng dụng công nghệ số trong xây dựng là động lực quan trọng để tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và dịch vụ, góp phần vào phát triển kinh tế số, xã hội số.
- Chuyển đổi số ngành xây dựng là nội dung quan trọng cần có sự tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách tổng thể theo lộ trình phù hợp, đồng bộ các lĩnh vực của ngành xây dựng từ cấp Trung ương đến cấp địa phương.
- Nguồn lực là yếu tố mang tính quyết định đến sự thành công của chuyển đổi số ngành xây dựng, do đó cần nâng cao nhận thức, kỹ năng số, ưu tiên nguồn lực để thực hiện công tác chuyển đổi số nhanh hơn, có tính bền vững hơn.
Mục tiêu của đề án chuyển đổi số ngành xây dựng giai đoạn 2024-2025, định hướng đến 2030
– Mục tiêu tổng quát:
Hai mục tiêu tổng quát của Đề án chuyển đổi số ngành xây dựng giai đoạn 2024-2025, định hướng đến 2030 bao gồm:
- Hoàn thành công tác số hóa ngành xây dựng theo từng lĩnh vực, từ đó hình thành dữ liệu lớn của ngành. Khai thác hiệu quả dữ liệu này để phục vụ cho các báo cáo thống kê, dự báo, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển của ngành xây dựng. Quản lý và chỉ đạo điều hành dựa trên nền tảng công nghệ số, các dữ liệu số được kết nối, liên thông từ Trung ương đến địa phương.
- Từng bước hiện đại hóa hành chính, minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho ngành Xây dựng.
– Mục tiêu cụ thể:
+ Giai đoạn 2024 – 2025:
Các mục tiêu cụ thể cần hoàn thành trong giai đoạn 2024 – 2025 bao gồm:
- Xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng, đảm bảo sẵn sàng đưa vào hoạt động.
- Nâng cấp hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- Xây dựng nền tảng mô hình BIM (mô hình thông tin công trình) trong quản lý quy hoạch, xây dựng theo quy hoạch và quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị.
- Ứng dụng hệ thống GIS (hệ thống thông tin địa lý) công khai thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên Cổng thông tin của quốc gia về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị Việt Nam.
- Nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Xây dựng và hệ thống dịch vụ công cấp phép xây dựng trực tuyến.
- Xây dựng nền tảng quản trị số tập trung cho ngành Xây dựng.
+ Giai đoạn từ 2026 đến 2030:
Trong giai đoạn từ 2026 đến 2030, tập trung vào 7 mục tiêu cụ thể sau:
- Hoàn thiện thể chế: Là các quy phạm pháp luật để đảm bảo đầy đủ các điều kiện về mặt thể chế triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số ngành Xây dựng.
- Phát triển hạ tầng số: Đảm bảo 100% các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu của ngành xây dựng được chuyển lên môi trường điện toán đám mây tại Trung tâm dữ liệu quốc gia.
- Phát triển các ứng dụng và dịch vụ số: Đưa ra các mục tiêu cụ thể về phát triển các ứng dụng, dịch vụ số phục vụ cho hoạt động của cơ quan nhà nước (ví dụ như: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình được giải quyết qua hệ thống thông tin quốc gia, 100% văn bản trao đổi của Nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, 90% hồ sơ công việc tại Bộ Xây dựng được xử lý trên môi trường điện tử…) và phục vụ người dân, doanh nghiệp (ví dụ như 100% các thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình được giải quyết trực tuyến, tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý qua hình thức trực tuyến…).
- Phát triển dữ liệu số: Mục tiêu từ ngày 1/1/2026 sẽ đưa vào hoạt động, khai thác, sử dụng chính thức Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng trên toàn quốc.
- Phát triển các nền tảng số: Ứng dụng nền tảng thông tin công trình BIM trong quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng, ứng dụng nền tảng GIS trong các ứng dụng chuyên ngành của đơn vị thuộc Bộ và các Sở Xây dựng địa phương, nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới (như AI, Callbot, Chatbot,…) nhằm nâng cao năng lực phục vụ của cơ quan quản lý và trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp.
- An toàn thông tin, an ninh mạng: 100% hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Bộ Xây dựng và các Sở Xây dựng được phê duyệt hồ sơ cấp độ và triển khai đầy đủ các giải pháp, phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ được phê duyệt.
- Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số: 100% cán bộ được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng phân tích và khai thác dữ liệu và sử dụng các nền tảng số dùng chung ngành Xây dựng.
Các nhiệm vụ chủ yếu cần thực hiện
Nhiệm vụ chính đầu tiên cần thực hiện để hướng đến hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số ngành xây dựng là hoàn thiện thể chế. Các thể chế cần hoàn thiện bao gồm:
- Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
- Luật Quản lý phát triển đô thị.
- Luật Cấp, Thoát nước.
- Thông tư hướng dẫn về các nội dung liên quan thông tin quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư xây dựng, công trình xây dựng và mã số thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng.
- Nghị định thay thế Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
- Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn về BIM áp dụng trong công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng.
Tiếp theo đó là các nhiệm vụ cụ thể để phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng số và các ứng dụng số. Bạn đọc có thể xem chi tiết Quyết định số 926/QĐ-BXD “Phê duyệt đề án chuyển đổi số ngành xây dựng giai đoạn 2024 – 2025, định hướng đến năm 2030” TẠI ĐÂY.
>>> Xem thêm: Cơ chế chính sách chi phí áp dụng quy trình BIM trong ngành xây dựng tại Việt Nam