Sai số là một điều không tránh khỏi và là vấn đề mà hầu hết các kỹ sư trắc địa đều quan tâm. Vậy sai số là gì? Có mấy loại sai số trong trắc địa? Và có những nguyên nhân nào làm dẫn đến sai số trong trắc địa? Hãy cùng Đất Hợp tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Sai số là gì?
Trong trắc địa, số liệu đo sẽ giúp cung cấp những thông tin liên quan đến vị trí không gian được thu nhận thông qua việc sử dụng các máy móc, công cụ. Số liệu đo này có thể là kết quả từ quá trình đo trực tiếp, hoặc có thể là kết quả sau khi được biến đổi.
Đồng thời, số liệu này còn bao gồm những thông tin hữu dụng và cả những thông tin nhiễu. Các thông tin nhiễu sẽ được gọi là sai số, do đó để có được thông tin hữu dụng, cần phải có phương pháp loại trừ hoặc giảm thiểu sự ảnh hưởng của sai số.
Trên thực tế, khi thực hiện đo nhiều lần một đại lượng nhất định, người đo sẽ phát hiện được giữa các giá trị đo có sự khác biệt. Ví dụ như, khi đo khoảng cách giữa hai điểm trên mặt đất nhiều lần, kết quả đo sẽ không giống nhau. Đây là một hiện tượng thường xuyên xảy ra trong đo đạc và nguyên nhân chủ yếu đến từ việc trong các kết quả đo có tồn tại sai số.
Phân loại sai số
Dựa trên nguyên nhân làm phát sinh sai số, sai số trong trắc địa được phân chia thành 3 loại, gồm: sai số thô, sai số ngẫu nhiên và sai số hệ thống.
- Sai số thô: Sai số thô phát sinh do thiếu cẩn thận và có thể tránh được.
- Sai số ngẫu nhiên: Khi thực hiện đo đạc cùng một đại lượng và cùng một thiết bị đo sẽ luôn có kết quả khác nhau giữa các lần đo. Sự sai lệch này không có nguyên nhân cụ thể, rõ ràng, có thể phát sinh do thao tác đo giữa các lần chưa chuẩn hoặc chịu tác động của các yếu tố ngẫu nhiên bên ngoài.
- Sai số hệ thống: Là sai số do chính đặc thù của thiết bị đo gây ra, nguyên nhân là do dụng cụ đo chưa được hiệu chuẩn. Loại sai số này xuất hiện có quy luật, dễ tính toán và hiệu chỉnh.
Nguyên nhân dẫn đến sai số trong trắc địa
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sai số, thế nhưng nguyên nhân chủ yếu thường đến từ 3 nguồn, đó là điều kiện ngoại cảnh, thiết bị đo và người thực hiện đo.
– Sai số trong trắc địa phát sinh do điều kiện ngoại cảnh
Công tác đo đạc được thực hiện trong điều kiện ngoại cảnh. Thế nhưng, điều kiện ngoại cảnh lại bao gồm rất nhiều yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến kết quả đo đạc. Một số ví dụ về điều kiện ngoại cảnh có thể dẫn đến sai số có thể kể đến như nhiệt độ, độ ẩm hay áp suất không khí,…
– Sai số trong trắc địa phát sinh do thiết bị đo đạc
Thiết bị là một phần không thể thiếu trong công tác trắc địa. Độ chính xác của thiết bị sử dụng đo cũng có thể là một nguyên nhân làm phát sinh sai số. Một số ví dụ về sai số phát sinh do thiết bị đo đạc như sai số của vạch khắc trên bàn độ của máy kinh vĩ, sai số khắc vạch mia, sai số góc i của máy thủy bình đối với trị đo cao hay sai số đồng hồ của các thiết bị định vị GNSS,…
– Sai số trong trắc địa phát sinh do người thực hiện đo
Người thực hiện đo có tính ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của số liệu đo. Tùy thuộc vào mỗi người đo sẽ có khả năng phân biệt, trình độ kỹ thuật khác nhau. Sai số phát sinh từ người thực hiện đo có thể đến từ cách đặt máy, cách ngắm chuẩn hay đọc số liệu.
Tổng hợp từ 3 yếu tố chủ yếu phát sinh sai số gồm điều kiện ngoại cảnh, thiết bị đo đạc và người thực hiện đo được gọi là điều kiện đo. Điều kiện đo có liên quan mật thiết đến chất lượng kết quả đo. Dù trong bất kỳ điều kiện đo nào, trong quá trình đo đạc sẽ phải chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, do đó sai số luôn tồn tại. Cũng có thể hiểu rằng, sai số trong đo đạc là không thể tránh khỏi, mà chỉ có thể giảm thiểu ảnh hưởng để đạt kết quả chất lượng tốt nhất. Tham khảo thêm: Giảm thiểu sai số trong đo đạc bằng cách nào? >>>
Chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu và hạn chế được sai số trong trắc địa bằng cách nắm được những nguyên nhân làm dẫn đến sai số trong trắc địa. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào về sai số, cũng như các vấn đề khác liên quan đến trắc địa, hãy liên hệ ngay đến chúng tôi qua HOTLINE 0903 825 125 để được hỗ trợ sớm nhất!
>>> Xem thêm: Sai số cho phép trong đo đạc địa chính là bao nhiêu?