Đo sâu địa hình đáy biển là công việc vô cùng quan trọng, phục vụ cho thành lập bản đồ địa hình đáy biển. Trong đó, phương án sử dụng máy đo sâu đa tia là phổ biến nhất. Tuy nhiên, khi thực hiện đo sâu địa hình đáy biển bằng máy đo sâu đa tia, cần phải thực hiện theo đúng quy định.
Quy định về Thiết kế tuyến quét địa hình đáy biển
Việc thiết kế tuyến quét địa hình đáy biển cần thực hiện theo các quy định sau:
- Địa hình đáy biển cần phải được quét kín diện tích của bề mặt địa hình;
- Tuyến quét địa hình phải có hướng song song với hướng của đường đẳng sâu (là đường vuông góc với hướng dốc của địa hình đáy biển trong khu vực cần đo vẽ). Đồng thời, số lượng tuyến quét địa hình sẽ phụ thuộc và độ sâu của khu vực đo và góc mở của từng máy đo sâu hồi âm đa tia (những giá trị này phải được nêu cụ thể trong Thiết kế kỹ thuật – Dự toán);
- Độ phủ giữa hai dải quét liền kề không nhỏ hơn 5% so với độ rộng dải quét nhỏ hơn trong 2 dải quét đó. Lúc đó không cần phải thiết kế tuyến quét kiểm tra;
- Trong trường hợp 2 tuyến quét liền kề không phủ lên nhau (độ phủ nhỏ hơn 5% hoặc bằng 0%) thì cần phải thiết kế tuyến quét kiểm tra. Tuyến quét kiểm tra sẽ có hướng vuông góc với hướng của tuyến quét. Bên cạnh đó, tổng chiều dài của các tuyến quét kiểm tra không được phép nhỏ hơn 5% so với tổng chiều dài của các tuyến quét và cần phải được phân bố đồng đều tại khu vực;
- Độ rộng vệt quét được căn cứ vào độ sâu trung bình, chất đáy tại khu vực quét và hồ sơ kỹ thuật của máy đo sâu hồi âm đa tia để lựa chọn góc mở tối ưu nhất.
- Việc thiết kế tuyến quét hay tuyến quét kiểm tra trên hệ tọa độ VN-2000 hoặc chuyển toàn bộ sang hệ tọa độ WGS84, nhập dữ liệu vào phần mềm dẫn đường và tạo thành đường chạy theo tia trung tâm để phục vụ cho việc dẫn đường khi quét bề mặt địa hình đáy biển. Việc này cần đảm bảo sao cho không bị hở diện tích và độ phủ theo đúng quy định.
- Số hiệu tuyến quét cũng như tuyến quét kiểm tra của các dải quét được đánh số từ 01 đến hết đối với từng loại tuyến thuộc cùng khu vực đo vẽ và được quy định chi tiết trong Thiết kế kỹ thuật – Dự toán.
- Với những khu vực ven đảo lớn, khu vực nhiều đảo hay có địa hình phức tạp thì trong Thiết kế kỹ thuật – Dự toán phải nêu rõ những quy định về độ rộng dải quét, hướng tuyến quét,…
Quy định về Quét địa hình đáy biển bằng máy đo sâu đa tia
Khi sử dụng máy đo sâu đa tia để quét địa hình đáy biển, cần tuân thủ theo các quy định như sau:
- Sử dụng những máy đo sâu đa tia có độ chính xác ≤ ±((10cm+0,1% h), với h là độ sâu được tính theo đơn vị mét và phần mềm chuyên dụng cho khảo sát địa hình đáy biển.
- Thiết lập hệ thống quét địa hình đáy biển bằng cách kết hợp máy đo sâu đa tia, máy đo tốc độ âm đặt tại đầu biến âm (SVP-SV Profiler hay tương đương), máy tính chuyên dụng, máy cải chính sóng,….
- Trong quá trình quét địa hình đáy biển, tùy vào tình hình thực tế độ sâu của tia trung tâm mà sẽ điều khiển tàu chạy sao nhằm đảm bảo nguyên tắc quét kín hết 100% bề mặt địa hình đáy và độ phủ giữa 2 tuyến liền kề không nhỏ hơn 5% so với độ rộng dải quét nhỏ hơn trong 2 dải quét đó.
- Khi quét địa hình đáy biển, nếu phát hiện đảo chìm hay chướng ngại vật dưới biển gây nguy hiểm hàng hải thì cần phải ghi chép thuyết minh vào sổ quét địa hình đáy biển, mô tả rõ ràng vào sổ công tác và nêu trong các báo cáo.
- Quy định về thời gian đồng bộ hệ thống, xác định tốc độ âm, tín hiệu cải chính phân sai, tuyến quét kiểm tra và góc cắt giữa tuyến quét, khi hở diện tính quét chân các đảo hoặc chân bờ biển theo các quy định sau:
+ Tùy vào phạm vi đo vẽ, độ sâu khu vực đo, có 2 phương án quy định sử dụng tốc độ âm nhập vào máy đo sâu gồm: (1) Dùng máy xác định tốc độ âm tại vị trí sâu nhất của các khu vực đo nhằm hiệu chỉnh kết quả đo sâu cho tất cả những mảnh bản đồ thuộc khu vực; (2) Dùng máy xác định tốc độ âm tại nơi sâu nhất của mảnh bản đồ nhằm hiệu chỉnh kết quả đo sâu cho riêng mỗi mảnh bản đồ đó.
+ Thời gian theo hệ thống đo sâu đa tia phải đồng bộ với thời gian đồng hồ quan trắc mực nước tại điểm nghiệm triều.
+ Đơn vị thi công phải liên hệ với đơn vị quản lý và vận hành trạm DGPS ven biển để đảm bảo tín hiệu cải chính hay ký hợp đồng thuê tín hiệu vệ tinh khi dùng máy GNSS để định vị điểm đo sâu.
+ Do chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như gió, sóng biển,… các tuyến đo sâu tại thực địa chỉ được lệch không quá ±10m so với tuyến đã thiết kế, tuyến đo kiểm tra cắt tuyến đo sâu một góc chênh lệch không quá ±30 độ so với thiết kế. Nếu lệch quá quy định cần phải bổ sung đủ số liệu.
+ Nếu tàu đo sâu không vào sát được bờ biển, bờ đảo hay mật độ điểm đo chưa đủ để thể hiện được địa hình ven bờ thì phải tận dụng khi triều cường để đo bổ sung 1 hay nhiều tuyến đo sâu chạy dọc theo chân bờ biển, chân đảo. - Quét bề mặt địa hình cho kết quả ở dạng số và cần được lưu giữ ở dạng tệp số liệu gốc theo đúng định dạng của phần mềm đang sử dụng trên DVD.
>>> Xem thêm: Quy định lắp đặt hệ thống đo sâu đa tia trong khảo sát thủy đạc
Quy định về Đánh giá độ chính xác quét địa hình đáy biển
Việc đánh giá độ chính xác quét địa hình đáy biển được quy định như sau:
- Căn cứ vào số liệu thu được ở phần diện tích phủ giữa 2 dải quét liền kề hoặc số liệu thu được qua phần diện tích chồng nhau giữa dải quét kiểm tra và dải quét.
- Khối lượng điểm được đưa vào để đánh giá độ chính xác. Trong Thiết kế kỹ thuật – Dự toán cần quy định rõ chiều dài cạnh ô vuông của mát lưới khi xuất điểm để đánh giá độ chính xác.
Quy định về Sử dụng máy đo sâu đa tia để đo sâu theo dải
Khi sử dụng máy đo sâu đa tia để đo độ sâu theo dải, cần phải tuân thủ các quy định sau:
- Khoảng cách nằm giữa 2 hàng điểm rìa trong 2 dải dữ liệu độ sâu liền kề khi đo sâu theo dải bằng máy đo sâu đa tia không được cách nhau quá 1cm trên bản đồ (ứng với 50m tại thực địa);
- Hướng tuyến (theo tia trung tâm) khi đo sâu theo dải cần phải song song với hướng của đường đẳng sâu, đồng thời hướng tuyến đo kiểm tra theo dải phải vuông góc với hướng tuyến đo sâu. Bên cạnh đó, tổng chiều dài của tuyến đo sâu kiểm tra theo dải không ít hơn 10% so với tổng chiều dài tuyến đo sâu theo dải và được phân bố đồng đều tại khu vực.
Mong rằng qua bài viết trên, Đất Hợp đã mang lại những thông tin hữu ích về quy định đo sâu địa hình đáy biển bằng máy đo sâu đa tia. Mọi thắc mắc về đo sâu địa hình đáy biển, cũng như lựa chọn máy đo sâu phù hợp, hãy liên hệ ngay đến HOTLINE 0903 825 125 để được hỗ trợ chi tiết!
>>> Xem thêm: Tìm hiểu về độ phân giải hệ thống đo sâu hồi âm đa tia