Bản đồ, bình đồ và mặt cắt địa hình là những khái niệm cơ bản trong trắc địa. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người nhầm lẫn khi nhận biết chúng. Vì thế, bài viết dưới đây Đất Hợp sẽ giúp bạn phân biệt rõ hơn về Bản đồ, Bình đồ và Mặt cắt địa hình.
Bản đồ
Khái niệm: Bản đồ là hình ảnh thu nhỏ và được khái quát hóa một phần rộng lớn của bề mặt Trái Đất lên mặt phẳng nằm ngang theo phép chiếu hình bản đồ với những nguyên tắc biên tập khoa học.
Đặc điểm, ứng dụng:
Bản đồ biểu thị một khu vực lãnh thổ rộng lớn, có tính đến ảnh hưởng của độ cong Trái Đất, đặc điểm biến dạng của phép chiếu hình, sử dụng thống nhất hệ thống tọa độ, độ cao Nhà nước. Bản đồ được chia ra thành 2 loại: Bản đồ địa lý chung và bản đồ chuyên đề. Trong đó, bản đồ địa lý được chia thành 3 nhóm là: Bản đồ địa lý khái quát, bản đồ địa hình khái quát và bản đồ địa hình tỷ lệ lớn.
>>> Xem thêm: Lập bản đồ địa hình sử dụng thiết bị nào?
Khi nói đến bản đồ, người ta thường quan tâm đến tỷ lệ bản đồ. Tỷ lệ bản đồ là tỷ số giữa chiều dài đoạn thẳng trên bản đồ và chiều dài thực của nó trên thực địa. Nếu phân loại theo tỷ lệ bản đồ, bản đồ được chia ra thành 3 loại:
- Bản đồ tỷ lệ lớn: Từ 1:5000 đến 1:500, hoặc lớn hơn.
- Bản đồ tỷ lệ trung bình: Từ 1:50000 đến 1:10000.
- Bản đồ tỷ lệ nhỏ: Từ 1:100000, hoặc nhỏ hơn.
Bình đồ
Khái niệm: Bình đồ là một bản vẽ thể hiện mặt chiếu bằng địa hình của một khu vực.
Đặc điểm, ứng dụng:
Bình đồ thường có tỷ lệ rất lớn và được ứng dụng nhiều trong trắc địa công trình, ví dụ: Bình đồ của một khu xây dựng, bình đồ của một tuyến giao thông, thủy lợi… Tùy theo yêu cầu sử dụng mà bình đồ có thể không sử dụng hệ tọa độ, độ cao Nhà nước hoặc không biểu thị dáng đất.
Ví dụ về những yêu cầu chung đối với tuyến trên bình đồ của một tuyến giao thông dành cho ô tô:
- Các yếu tố của tuyến giao thông như: chiều dài đường cong chuyển tiếp, bán kính tối thiểu đường cong nằm, độ dốc dọc lớn nhất khi triển tuyến, … đảm bảo không được vi phạm những quy định về trị số giới hạn đối với cấp đường thiết kế.
- Tuyến đường cần ôm theo hình dạng địa hình để khối lượng đào đắp nhỏ nhất và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.
- Phối hợp đường và cảnh quan hài hòa.
- Hạn chế thiết kế đường có những đoạn thẳng dài trên 3km vì sẽ gây tâm lý mất cảnh giác và buồn ngủ khi lái xe, ban đêm đèn pha của xe ngược chiều có thể làm chói mắt.
- Sử dụng các tiêu chuẩn hình học cao như: Bán kính đường cong, đoạn chêm giữa các đường cong hay chiều dài đường cong chuyển tiếp… trong điều kiện địa hình cho phép.
- Phối hợp hài hòa giữa các yếu tố tuyến trên bình đồ, trắc dọc, trắc ngang, giữa tuyến và công trình, cũng như giữa các yếu tố đó với địa hình, cảnh quan môi trường xung quanh để đảm bảo tuyến không bị bóp méo hay hãy khúc.
Mặt cắt địa hình
Khái niệm: Khác với bản đồ và bình đồ (biểu thị bề mặt Trái Đất trên mặt phẳng nằm ngang), mặt cắt địa hình là hình chiếu của mặt cắt dọc hoặc ngang của một tuyến địa hình lên mặt phẳng thẳng đứng.
Đặc điểm, ứng dụng:
Mặt cắt địa hình được sử dụng để phục vụ cho việc thiết kế, thi công các công trình dạng tuyến như giao thông, thủy lợi, địa chất hoặc để tính khối lượng đào, đắp đất…
Mặt cắt địa hình được chia ra thành 2 loại:
- Mặt cắt dọc địa hình:
Được tiến hành theo các bước như xác định tuyến đo, chôn mốc ở các điểm ngoặt, đo góc ngoặt, tính toán và cắm các điểm chính của đường cong, đóng cọc dọc tuyến, đo chiều dài và độ cao giữa các cọc, đo vẽ bình đồ hai bên tuyến và dựng mặt cắt.
Mặt cắt dọc địa hình được biểu thị trên giấy kẻ milimet, trục đứng biểu thị độ cao H, trục ngang là khoảng cách ngang S. Thông thường chọn tỷ lệ độ cao H gấp 10 lần tỷ lệ khoảng cách ngang S. Ví dụ nếu tỷ lệ độ cao H là 1:100 thì tỷ lệ khoảng cách ngang S là 1:1000.
- Mặt cắt ngang địa hình:
Khi thiết kế công trình cần biết rõ những thay đổi của địa hình theo hướng ngang, vì thế cần vẽ mặt cắt ngang tại các cọc chính, cọc phụ và những điểm có địa hình thay đổi theo hướng ngang. Dựa vào mặt cắt dọc và mặt cắt ngang sẽ tính được khối lượng đào đắp khi thi công.
Mặt cắt ngang địa hình thường được vẽ riêng từng tờ với tên gọi của cọc chính, có tỷ lệ dài và tỷ lệ đứng bằng nhau.
Bài viết trên đây đã giúp bạn phân biệt rõ hơn về bản đồ, bình đồ và mặt cắt địa hình. Hãy theo dõi Đất Hợp ngay hôm nay để cập nhật thêm những kiến thức trắc địa hữu ích khác nhé!
>>> Xem thêm: Trắc địa công trình là gì? Tầm quan trọng của Trắc địa công trình