Bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:5000 là loại bản đồ địa hình có tỷ lệ lớn và thuộc hệ thống bản đồ địa hình quốc gia, góp phần phục vụ trong an ninh, quốc phòng và công tác nghiên cứu biển. Khi đo đạc và thành lập bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:5000 cần tuân thủ theo độ chính xác và nội dung đã được Bộ Tài nguyên Môi trường ban hành.

Độ chính xác của bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:5000

Theo Thông tư 63/2017/TT-BTNMT đề cập đến Quy định Kỹ thuật Đo vẽ bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:5000, độ chính xác của bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:5000 được quy định như sau:

  • Độ cao điểm “0” của điểm nghiệm triều được đo nối thuỷ chuẩn hình học với độ chính xác theo thuỷ chuẩn kỹ thuật từ các điểm độ cao nghiệm triều gần nhất hoặc những điểm kiểm tra thiết bị đo biển gần nhất. Sai số trung phương độ cao điểm “0” của điểm nghiệm triều khi so với độ cao tại điểm kiểm tra thiết bị đo gần nhất, điểm độ cao nghiệm triều gần nhất không được phép vượt quá ±0,10m.
  • Sai số trung phương vị trí mặt phẳng tại điểm ghi chú độ sâu, điểm ghi chú chất đáy so với điểm kiểm tra thiết bị đo biển gần nhất hoặc tọa độ điểm tại trạm định vị DGPS ven biển không được phép vượt quá ±3m (tương ứng với ±0,6mm trên bản đồ).
  • Sai số trung phương vị trí mặt phẳng khi đo vẽ các địa vật nổi cố định trên biển so với điểm kiểm tra thiết bị đo biển gần nhất không được phép vượt quá ±3,5m (tương ứng với ±0,7mm trên bản đồ). Mặt khác, đối với các địa vật có độ di động thì sai số trên được cộng thêm phạm vi di động. Và đối với những địa vật chìm cố định dưới biển thì sai số cho phép là ±7,5m (tương ứng với ±1,5mm trên bản đồ).
  • Sai số trung phương độ sâu của điểm ghi chú độ sâu sau khi đã được quy đổi theo hệ độ cao quốc gia so với độ cao của điểm nghiệm triều gần nhất:
    + Không vượt quá ±0,30m khi độ sâu đạt đến 50m;
    + Không vượt quá ±0,45m khi độ sâu đạt từ trên 50m đến 100m.
  • Sai số trung phương độ sâu đường đẳng sâu so với độ cao của điểm nghiệm triều gần nhất:
    + Không vượt quá ±0,40m khi độ sâu đạt đến 50m;
    + Không vượt quá ±0,50m khi độ sâu đạt từ trên 50m đến 100m.
  • Công thức xác định sai số trung phương độ sâu:

Bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:5000: Quy định về độ chính xác và nội dung khi thành lập bản đồ

Trong đó:
+ Khi sử dụng kỹ thuật đo sâu SBES (Single Beam Echo-sounder – Đo sâu hồi âm đơn tia), n là số lượng giao điểm và Δ là số chênh lệch độ sâu tại giao điểm giữa tuyến đo sâu và tuyến đo sâu kiểm tra. Độ sâu tại giao điểm này là giá trị được nội suy từ 2 điểm độ sâu gần nhất tại trước và sau giao điểm trên tuyến đo sâu.
+ Khi sử dụng kỹ thuật đo sâu MBES (Multi Beam Echo-sounder – Đo sâu hồi âm đa tia), n là số lượng điểm có trong mắt lưới ô vuông và Δ là số chênh lệch độ sâu của điểm thuộc diện tích phủ giữa hai dải quét liền kề. Độ sâu của các điểm thuộc diện tích phủ được xuất ra ở dạng mắt lưới ô vuông với cạnh dài từ 5 đến 10m tại thực địa.

  • Giá trị chênh lệch độ sâu giữa điểm đo sâu và điểm đo sâu kiểm tra không được phép vượt quá ±0,45m (độ sâu 50m), ±0,675 (độ sâu trên 50m đến 100m) và không mang tính hệ thống.
  • Giá trị số chênh cao giới hạn giữa những điểm đo sâu và điểm đo sâu kiểm tra không vượt quá ±0,9m (độ sâu 50m), ±1,32 (độ sâu trên 50m đến 100m) và tổng số điểm kiểm tra có số chênh trong khoảng từ 1,7 đến 2,0 lần so với quy định không được phép vượt trên 10% tổng số điểm đo sâu kiểm tra.
  • Sai số tiếp biên phần địa hình đáy biển trên bản đồ địa hình đáy biển có tỷ lệ 1:5000 (khác với khu vực đo vẽ) được lớn hơn tối đa 1,3 lần so với những quy định liên quan đến tiếp biên bản đồ địa hình tỷ lệ 1:5000 phần đất liền.
  • Độ chính xác của những yếu tố địa hình, địa vật tại phần đất liền hoặc phần đảo của mảnh bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:5000 được thực hiện dựa trên quy định kỹ thuật hiện hành về đo vẽ và thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1:5000 phần đất liền.
  • Những quy định liên quan đến số hóa diện tích phần đất liền, phần đảo từ bản đồ, cũng như hải đồ cũ được thực hiện theo quy định kỹ thuật hiện hành.
  • Độ chính xác của biên vẽ diện tích phần biển, phần đất liền và phần đảo từ tài liệu đã có sẵn tại khu vực cần thành lập bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:5000 cần phải đảm bảo theo độ chính xác của bản đồ địa hình tỷ lệ 1:5000.
Bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:5000: Quy định về độ chính xác và nội dung khi thành lập bản đồ

Bản đồ địa hình đáy biển.

Nội dung bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:5000

Nội dung của bản đồ địa hình đáy tỷ lệ 1:5000 cho phần trên đảo và phần đất liền được tuân thủ theo quy định kỹ thuật hiện hành về đo vẽ và thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1:5000 của phần đất liền và Ký hiệu 1:5000. Trong bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:5000, khoảng cao đều cơ bản của số điểm ghi chú độ cao phần đảo, phần đất liền, đường bình đồ được lấy theo bản đồ tỷ lệ 1:5000 đã có sẵn trên khu vực đo vẽ. Đối với trường hợp không có bản đồ địa hình tỷ lệ 1:5000 thì cần nêu cụ thể các bản đồ địa hình, hải độ tỷ lệ nhỏ hơn hoặc lớn hơn được sử dụng để có thể biên tập nội dung địa hình, địa vật phần diện tích trên phần đất liền, trên phần đảo trong thiết kế kỹ thuật – dự toán.

Đối với phần biển, nội dung bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:5000 gồm các yếu tố:

  • Địa hình của đáy biển;
  • Chất đáy;
  • Đường mép nước và đường bờ; đường triều kiệt, triều cường (nếu có);
  • Những loại bãi ngầm và bãi cạn lúc chìm lúc nổi;
  • Những địa vật và công trình nhân tạo trên biển;
  • Những địa vật tự nhiên tồn tại ở đáy biển;
  • Những yếu tố hàng văn, hàng hải;
  • Những vùng cấm, vùng nguy hiểm hàng hải;
  • Thực vật;
  • Ghi chú các địa danh và những ghi chú cần thiết khác;
  • Đường phân chia trên biển;
  • Những điểm kiểm tra thiết bị đo biển;
  • Khung và bảng ghi chú ngoài khung.

Ngoài ra, nếu có những yếu tố nội dung khác trên phần biển, chúng cần được thể hiện trên bản đồ với ký hiệu tương ứng và phải được nêu cụ thể trong Thiết kế kỹ thuật – Dự toán dựa trên những nguyên tắc:

  • Những địa vật có kích thước thể hiện được theo tỷ lệ bản đồ và những địa vật dạng hình tuyến có độ rộng trên 3m (tại thực địa) phải được vẽ dựa theo tỷ lệ bản đồ. Đối với trường hợp địa vật có ký hiệu quy ước, nếu kích thước địa vật được vẽ với tỷ lệ bản đồ có diện tích lớn hơn diện tích của ký hiệu quy ước trên bản đồ trên 2 lần thì cần phải vẽ thêm ký hiệu quy ước vào trong kích thước của địa vật đó, ký hiệu quy ước có tâm trùng với tâm của địa vật;
  • Những địa vật có kích thước không thể hiện theo tỷ lệ bản đồ hoặc có diện tích vẽ theo tỷ lệ bản đồ nhỏ hơn 2,0 lần diện tích của ký hiệu quy ước trên bản đồ thì chỉ dùng ký hiệu quy ước để thể hiện, ký hiệu quy ước có tâm trùng với tâm của địa vật. Với những địa vật hình tuyến có độ rộng nhỏ hơn 2,5m được thể hiện trên bản đồ bằng ký hiệu vẽ theo nửa tỷ lệ, ký hiệu hình tuyến có trục trùng với trục của địa vật hình tuyến đó;
  • Những địa vật có kích thước vẽ được dựa theo tỷ lệ bản đồ nhưng không có ký hiệu quy ước thì được thể hiện bằng ký hiệu tương ứng và sử dụng ghi chú để thể hiện loại địa vật và tên riêng của nó (nếu có);
  • Những yếu tố nội dung trên bản đồ có diện tích lớn được thể hiện bằng chấm ranh giới dựa theo diện tích phân bố trên thực tế kèm với ký hiệu quy ước và được ghi chú ngoài khung bản đồ.
Bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:5000: Quy định về độ chính xác và nội dung khi thành lập bản đồ

Bảng ký hiệu bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:5000.

Hy vọng rằng, với những thông tin về “Độ chính xác và nội dung của bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:5000” trong bài viết trên có thể giúp công tác thành lập bản đồ địa hình đáy biển của quý khách. Ngoài ra, để được tư vấn, hỗ trợ thêm về thành lập bản đồ địa hình đáy biển cũng như các thiết bị cần thiết cho công tác này, hãy liên hệ ngay đến HOTLINE 0903 825 125, chúng tôi luôn sẵn sàng phục vụ quý khách hàng!

>>> Xem thêm: Đo địa hình đáy biển sử dụng thiết bị nào?