Quy định kỹ thuật về mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia được ghi đầy đủ và chi tiết trong Thông tư số 03/2020/TT-BTNMT. Bài viết dưới đây Đất Hợp sẽ giúp bạn thống kê một số thông tin nổi bật của thông tư này.

Mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia là gì?

Mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia là một hệ thống được tạo thành bởi các trạm định vị vệ tinh quốc gia đơn lẻtrạm điều khiển xử lý trung tâm được kết nối với nhau thông qua tín hiệu internet, đảm bảo cho việc thu nhận dữ liệu được liên tục, ổn định.

Trong đó:

  • Trạm định vị vệ tinh quốc gia: Bao gồm 65 trạm, được chia ra làm 2 loại theo mục đích sử dụng là:
    + Trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục: Số lượng là 24 trạm. Được phân bố đều trên toàn quốc, với khoảng cách trung bình giữa các trạm là từ 150km-200km, sử dụng để làm khung tham chiếu tọa độ quốc gia, phục vụ cho các hoạt động đo đạc và bản đồ, nghiên cứu khoa học.
    + Trạm tham chiếu hoạt động liên tục: Số lượng là 41 trạm. Có khoảng cách trung bình giữa các trạm là từ 50km-70km. Hai loại trạm tham chiếu này kết hợp với nhau để cung cấp dịch vụ định vị, dẫn đường trong thời gian thực với độ chính xác đạt cấp độ cm – đáp ứng hầu hết các yêu cầu về độ chính xác trong công tác đo đạc và bản đồ hiện nay.
[03/2020/TT-BTNMT] Quy định kỹ thuật về mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia

Sơ đồ phân bổ 65 trạm trong mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia.

  • Trạm điều khiển xử lý trung tâm: Bao gồm trung tâm dữ liệu và phòng điều khiển được kết nối bằng hệ thống mạng LAN. Trạm điều khiển trung tâm có chức năng xử lý và tính toán, cung cấp các dịch vụ phục vụ hoạt động đo đạc và bản đồ, định vị, dẫn đường yêu cầu độ chính xác cao, nghiên cứu khoa học…

Mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia được xây dựng đồng bộ với nhau, bao phủ trên toàn lãnh thổ Việt Nam trong hệ tọa độ quốc gia (VN-2000) và hệ độ cao quốc gia.

Mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia được tính toán xác định tọa độ thường xuyên và liên tục theo ngày trong hệ quy chiếu trắc địa quốc tế ITRF, được xác định giá trị trọng lực và sự biến thiên của giá trị trọng lực với chu kỳ đo lặp 10 năm/lần.

Quy định kỹ thuật về mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia

Các thông tin Quy định kỹ thuật về mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia được ghi đầy đủ và chi tiết trong Thông tư số 03/2020/TT-BTNMT, dưới đây là một số điểm nổi bật:

– Đo nối, xác định tọa độ VN-2000 cho mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia:

  • Các điểm tọa độ quốc gia Cấp 0 được sử dụng làm điểm khởi tính để đo nối mạng lưới. Số lượng điểm khởi tính ≥ 5 điểm.
  • Các dòng máy thu GNSS sử dụng đặt tại điểm tạo độ Cấp 0 yêu cầu phải là máy thu đa tần số, tối thiểu thu được các tín hiệu L1, L2 từ hệ thống vệ tinh GPS và GLONASS. Thời gian quan trắc ≥ 24 giờ, bắt đầu từ 7:00 (theo giờ Việt Nam), thời gian giãn cách thu tín hiệu ≥ 15 giây, phương pháp đo là đo tĩnh (với góc ngưỡng thu là 10°).
  • Sử dụng các phần mềm GNSS thông dụng để xử lý, khi xử lý cần cần phải sử dụng lịch vệ tinh chính xác để tính toán, sai số bình sai ≤ 2cm.
[03/2020/TT-BTNMT] Quy định kỹ thuật về mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia

Một số dòng máy thu GNSS đa tần hãng Trimble.

– Đo nối, xác định độ cao trạm định vị vệ tinh quốc gia:

Cần thiết kế các tuyến độ cao đơn độc lập để xác định độ cao cho các điểm trong mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia. Điểm khởi tính cho mỗi tuyến cần sử dụng ít nhất 2 điểm thuộc mạng lưới độ cao quốc gia hạng cao.

  • Đối với các điểm thuộc trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục: Áp dụng quy trình đo độ cao hạng II để thiết kế, đo nối, tính toán. Điểm khởi tính là các điểm độ cao hạng I hoặc hạng II.
  • Đối với các điểm thuộc trạm tham chiếu hoạt động liên tục: Áp dụng quy trình đo độ cao hạng III để thiết kế, đo nối, tính toán. Điểm khởi tính là các điểm độ cao hạng I, hạng II hoặc hạng III.

– Đo nối, xác định giá trị trọng lực trạm định vị vệ tinh quốc gia:

  • Thiết kế tuyến đo nối trọng lực vào các trạm định vị vệ tinh quốc gia với độ chính xác của trọng lực hạng II dựa trên cơ sở các điểm trọng lực cơ sở, trọng lực hạng I có trong khu đo theo phương pháp đo trọng lực tương đối. Điểm khởi tính của mỗi tuyến do phải sử dụng ít nhất 2 điểm thuộc mạng lưới trọng lực quốc gia hạng cao có trong khu vực.
  • Dấu mốc độ cao gắn nổi trên trụ mốc là vị trí xác định giá trị trọng lực tại trạm định vị vệ tinh quốc gia. Sai số trung phương gia tốc lực trọng trường sau bình sai ≤ 0.05mGal.
  • Để xác định giá trị trọng lực cho mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia cần sử dụng các phương tiện đo trọng lực có độ chính xác tối thiểu 0.03 mGal.

– Kết nối mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia với hệ quy chiếu trắc địa quốc tế ITRF:

  • Các trạm thuộc mạng lưới của tổ chức cung cấp dịch vụ GNSS quốc tế IGS có trong khu vực là điểm kết nối mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia với hệ quy chiếu trắc địa quốc tế ITRF. Các điểm trong mạng lưới trạm định vị quốc gia được xử lý tính toán thường xuyên, liên tục hàng ngày trong hệ quy chiếu trắc địa quốc tế ITRF với độ chính xác ≤ 2mm.
  • Sử dụng dữ liệu GNSS từ ít nhất 5 trạm thuộc mạng lưới IGS, trong đó ưu tiên sử dụng các trạm có dữ liệu ổn định, được xây dựng từ lâu và có các thông số khác có liên quan đến trạm đầy đủ theo khuyến cáo của IGS.
  • Sử dụng các phần mềm có độ chính xác cao để tính toán. Trị đo GNSS là dữ liệu quan trọng để tính toán dữ liệu, ngoài ra còn phải sử dụng tất cả các dữ liệu khác có liên quan như:
    + Các thông số về ăng-ten sau kiểm định của IGS.
    + Tham số quay của cực Trái Đất.
    + Lịch vệ tinh chính xác.
    + Mô hình cải chính ảnh hưởng của thủy triều đại dương.
    + Mô hình tầng điện ly.
    + Mô hình tầng đối lưu…
  • Việc tính toán bắt đầu từ 0:00 (giờ UTC) và được thực hiện theo từng ngày; sử dụng dữ liệu GNSS với thời gian giãn cách thu tín hiệu là 30 giây để tính toán xử lý. Kết quả nhận được là cơ sở cho việc xác định dịch chuyển đứng, dịch chuyển mảng, xây dựng hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia theo quan điểm động, xác định tham số tính chuyển giữa hệ tọa độ quốc gia VN-2000 và hệ quy chiếu trắc địa quốc tế ITRF.

Trước đây, việc truy cập và sử dụng dữ liệu từ mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia là miễn phí. Thế nhưng, kể từ ngày 01/09/2024, dựa theo Thông tư số 47/2024/TT-BTC của của Bộ Tài chính về Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ thì các tổ chức, cá nhân muốn sử dụng dữ liệu này phải đóng phí theo quy định.

Xem ngay:

>>> Hướng dẫn đăng ký và đóng phí sử dụng trạm CORS quốc gia đo GNSS RTK

>>> [Từ 1/9/2024] Mức đóng phí sử dụng trạm CORS (trạm định vị vệ tinh quốc gia)

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần giải đáp liên quan đến mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia, bạn đừng ngần ngại liên hệ đến Đất Hợp qua HOTLINE 0903 825 125, chúng tôi sẽ hỗ trợ nhanh chóng nhất!